Rau răm là loại gia vị quen thuộc của nhiều gia đình Việt, tuy tốt nhưng rau răm cũng có những tác hại nếu dùng sai cách. Dưới đây là những tác hại của rau răm ít người biết.
Tổng quan về rau răm
Rau răm là cây thân thảo sống lâu năm, sinh trưởng tốt ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong điều kiện nóng ẩm. Lá và thân non được sử dụng rộng rãi và rất đặc trưng trong ẩm thực của Việt Nam.
Rau răm, tên khoa học là Persicaria odorata. Ngoài ra, nó còn có tên gọi khác, theo tiếng Malaysia là Daun kesum hay Daun lak, theo tiếng Trung Quốc là Lặc sa diệp...
Thành phần hóa học chính: Trong tinh dầu của rau răm người ta tìm thấy các aldehyd chuỗi dài như decanal (28%), dodecanal (44%), decanol (11%). Các sesquiterpene (α-humulene, β-caryophyllene) chiếm khoảng 15% trong tinh dầu.
Rau răm nếu dùng sai cách cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tác dụng của rau răm
Theo Đông y, rau răm có vị cay, tính ấm, tác dụng kiện tỳ, ích vị, tiêu thực, trừ thấp, thường dùng trong các trường hợp lạnh bụng, ăn uống không tiêu, phong thấp, làm gia vị giúp làm ấm, điều hòa tính lạnh của thức ăn. Rau răm hay được chế biến cùng với những món ăn mang tính hàn hoặc khó tiêu.
Bên cạnh đó, rau răm chứa nhiều dưỡng chất, công dụng tốt cho sức khỏe. Hạt rau răm sắc uống cùng hương nhu chữa thổ tả (nôn và đi ngoài nhiều). Rễ rau răm hòa cùng rượu sắc uống làm hạ những cơn đau tim, khi vắt lấy nước cốt, hòa rượu bôi, bã đắp ngoài chữa hắc lào, lang ben, chốc lở, rắn cắn. Rau răm tươi giã, vắt lấy nước cốt uống chữa say nắng, khô khát.
Tác hại của rau răm
Bên cạnh những tác dụng tuyệt vời thì rau răm cũng mang lại một số tác hại với sức khỏe nếu dùng sai cách.
Ảnh hưởng tới chuyện chăn gối
Nếu dùng rau răm thường xuyên với lượng quá nhiều sẽ sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục. Cả nam và nữ nếu ăn rau răm nhiều và thường xuyên có thể bị giảm ham muốn, đàn ông kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
Dễ gây sảy thai
Vì có vị cay, tính ấm, tính thơm, hành khí mạnh (khí hành dẫn đến huyết hành) kích thích tử cung có thể làm ra thai nên rau răm kỵ dùng với người có thai.
Bà bầu ăn ít (chỉ một vài ngọn) với các thức đi kèm như trứng vịt lộn… sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, nhưng nếu ăn nhiều, dùng rau răm giã uống hay sắc làm thuốc uống thì rất nguy hiểm.
Bởi vậy khi có thai không được ăn nhiều rau răm. Những người máu nóng, ốm gầy và phụ nữ khi đang hành kinh cũng không được dùng rau răm.
Trên đây là những tác hại của rau răm nếu dùng sai cách.