Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những ai không nên chạy bộ?

(VTC News) -

Chạy bộ là bộ môn thể thao tốt cho sức khoẻ, vậy nhưng có một số nhóm người được khuyến cáo không nên chạy bộ, vậy những ai không nên chạy bộ?

Chạy bộ có tác dụng gì?

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, chạy bộ cũng là một hình thức đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy chạy bộ đem đến những lợi ích như:

  • Tăng độ nhạy insulin từ đó giảm nguy cơ mắc tiểu đường
  • Giảm nguy cơ ung thư và nguy cơ tử vong vì bệnh lý tim mạch cũng như tử vong do các nguyên nhân bệnh lý khác
  • Cải thiện tình trạng cholesterol, mỡ máu
  • Giúp cải thiện mật độ xương
  • Kháng viêm
  • Cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm nguy cơ lo âu, trầm cảm

Những ai không nên chạy bộ?

Chạy bộ là hoạt động thể dục tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể chạy bộ được. Dưới đây là những nhóm người được khuyến cáo không nên chạy bộ:

Người mắc bệnh tim mạch

Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên có thể phòng chống và cải thiện các bệnh về tim mạch. Nhưng chạy bộ lại là nguyên nhân khiến nhịp tim và huyết áp tăng cao, điều này nguy hiểm với những người bị bệnh tim mạch.

Ba nhóm người mắc bệnh tim mạch có các triệu chứng sau đây tuyệt đối không nên chạy bộ:

  • Người từng có cơn đau tức tim trong vòng 2 tháng trở lại đây.
  • Người chỉ làm việc nhà nhẹ hoặc lên một tầng cầu thang cũng tức ngực, thở dốc.
  • Người từng có những cơn đau tức tim trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Ngoài ra, các biến cố về tim mạch vẫn có thể xảy ra với những người tập luyện quá sức hoặc tăng cường độ tập đột ngột. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, người mắc bệnh tim mạch khi chạy bộ hãy nhờ tới sự tư vấn của chuyên gia và lên lộ trình tập luyện khoa học, vừa sức.

Chạy bộ tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể chạy bộ

Người bị chấn thương hoặc mắc bệnh về xương khớp

Báo Vietnamnet dẫn lời bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, chạy bộ có thể làm tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng lưng dưới. Do đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh chạy bộ hoặc chỉ chạy bộ với cường độ thấp, quãng đường ngắn và có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.

Với những người có tiền sử chấn thương khớp gối, chạy bộ có thể làm tái phát chấn thương. Do đó, họ cần tránh chạy bộ hoặc chỉ chạy bộ với cường độ thấp, quãng đường ngắn. Họ nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng hơn như đi bộ, yoga… thay cho chạy bộ cường độ cao.

Người cao tuổi

Nhiều người cho rằng chạy bộ là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng trên thực tế chạy bộ với cường độ cao không hề phù hợp với người lớn tuổi.

Nguyên nhân là do khi chúng ta già đi, các cơ bắp, dây chằng đã bị lão hóa và không còn đàn hồi tốt nữa. Việc chạy bộ với cường độ cao có thể làm tổn thương cơ bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng và yếu ớt, lâu ngày có thể ảnh hưởng không tốt tới khớp và xương chân, gây ra bệnh xương khớp.

Người cao tuổi nên lựa chọn đi bộ thay cho chạy bộ. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ nên đi bộ tối đa 30-45 phút mỗi ngày và luôn cần khởi động khoảng 5-10 phút để làm nóng các khớp trước khi đi bộ.

Người bị thoát vị đĩa đệm

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn chuyên trang sức khoẻ Healthline cho biết, đĩa đệm có tác dụng như bộ phận giúp giảm xóc. Khi bạn chạy liên tục, toàn bộ trọng lượng trong cơ thể sẽ dồn vào chân và thắt lưng, gây ra căng thẳng tới đĩa đệm. Chạy bộ sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng và triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống lưng của người bệnh.

Những người đã mắc chứng bệnh này trước khi chọn chạy bộ hay đến và tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra quyết định hợp lý nhất, đừng mù quáng về những tác dụng của chạy bộ mà không tìm hiểu, khiến căn bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.

Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Những ai không nên chạy bộ?". Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa môn thể thao này nhé.

Nguồn:

Tin mới