Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhật Kim Anh tự may trang phục, Thân Thúy Hà mặc áo dài cũ khi đóng 'Lưới trời'

Nhật Kim Anh phải tự may trang phục, Thân Thúy Hà tận dụng áo dài cũ khi đóng “Lưới trời” của đạo diễn Phương Điền.

Dòng phim xưa của miền Nam vốn tạo được sức hấp dẫn với khán giả truyền hình, xây dựng được thương hiệu riêng trong giai đoạn thị trường phim ảnh cạnh tranh khốc liệt. Là đạo diễn thành công với dòng phim xưa, Nguyễn Phương Điền luôn muốn mang đến những thước phim chân thực. "Lưới trời" là một ví dụ điển hình cho sự chỉnh chu đó trong cách làm phim xưa của anh.

Không chỉ đầu tư hơn nửa tỷ đồng để tạo dựng bối cảnh phim, trang phục trong "Lưới trời" đóng góp nhiều cho sự thành công của phim đến nay. Qua phục trang, khán giả sẽ cảm nhận được thời gian, không gian mà câu chuyện phim đang diễn ra, tô điểm thêm tính cách, số phận nhân vật. 

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết, mỗi khi bắt tay làm một bộ phim xưa, ngoài sự vất vả đi tìm bối cảnh quay, anh còn nghiên cứu sách báo, những câu chuyện còn sót lại ở bảo tàng, hình ảnh còn lưu giữ, xem lại phim của các đạo diễn trước... để nắm bắt giai đoạn lịch sử cho thật vững. Tiếp đó, anh bàn bạc với ê-kíp để tìm hướng đi riêng biệt, tránh bị trùng lặp về mặt hình ảnh, ý tưởng. 

Anh nói: “Tôi cùng họa sĩ thiết kế phác họa bằng cảnh câu chuyện phim, phục trang và hóa trang của từng nhân vật trong phim. Sau đó, chúng tôi làm việc với stylist, lên kế hoạch may đo cho từng nhân vật chính. Tôi cũng bàn bạc với thiết kế xem tông màu nào phù hợp để ra được tính cách của từng nhân vật. Thường khâu định hình phục trang cho một dự án mất khoảng 3 tuần”.

Từng giai đoạn của nhân vật đều có phục trang, phụ kiện khác nhau. Việc thay đổi này là cần thiết để đi đúng mạch chuyện, làm rõ diễn biến tâm lý, số phận của nhân vật. Không phải diễn viên muốn ăn diện đẹp là được đẹp, phải xấu đúng chỗ, đẹp đúng lúc mới thuyết phục được khán giả. Ví dụ như nhân vật Hạnh (Nhật Kim Anh) khi là thiếu nữ nhà quê, ăn mặc nên đơn giản để người xem tin rằng đây là cô gái ngoan hiền, nết na, thùy mị. 

Đến giai đoạn Hạnh lên thành phố phải chọn đồ xinh đẹp hơn vì lúc này cô đã là thợ may, biết chăm chút cho bản thân. Chuyển sang giai đoạn yêu Hải, cuộc đời Hạnh lại sang trang mới, có thêm phụ kiện vòng, nhẫn… để cho thấy cuộc đời cô bắt đầu khởi sắc. Khi Hạnh đã giàu sang, màu sắc trang phục phải tươi hơn, hóa trang kỹ càng, phụ kiện đi theo cũng sẽ phong phú hơn. Lúc từ thành phố về quê, Hạnh phải ăn mặc như cô Thắm về làng, khiến mọi người trầm trồ. 

Một nhân vật khác cũng trải qua nhiều giai đoạn trong phim là Tím (Thân Thúy Hà đóng). Khi ở quê, trang phục của Tím nền nã, dân dã. Khi biết Hạnh là người giàu có, bà Tím ăn diện trang phục sặc sỡ hơn. Nhân vật Hải (Trung Dũng) cũng vậy, những tháng ngày thanh niên sẽ ăn mặc chỉnh chu, thanh lịch. Còn khi về già, Hải mặc những bộ vest đứng tuổi hơn, màu sắc sậm lại. 

Diễn viên Thân Thúy Hà cho biết đạo diễn Nguyễn Phương Điền rất kỹ và khó tính, thường chăm chút cho từng nhân vật lớn nhỏ trong phim. Ra phim trường nếu nhân vật mặc đồ không đúng yêu cầu, anh sẵn sàng chờ đợi hoặc chuyển phân đoạn để ê-kíp có thời gian chuẩn bị, đến lúc đúng ý mới thôi. Phần hóa trang cũng được chú trọng không kém, chẳng hạn nhân vật nào nghèo thì không thể phấn trắng, môi hồng, kẻ mắt, còn khi lớn tuổi phải buộc tóc lại, có nếp nhăn, nếu diễn viên sợ xấu lén tô vẽ thêm hoặc xóa bớt cũng khó mà thoát được mắt đạo diễn. 

Chị tiết lộ: “Tôi nhận lời đóng vai Tím vào phút cuối để thay thế một diễn viên khác nên chỉ có hai ngày chuẩn bị mọi thứ để đi tỉnh quay gần 2 tháng. Tổ trang phục đã phải nỗ lực chuẩn bị mọi thứ sao cho thật tươm tất chỉ trong vài ngày. Có lúc tổ phục trang phải chạy quanh khu vực tìm thợ địa phương để may theo số đo của tôi, hôm khác lại bắt xe từ An Giang về Sài Gòn để tìm thuê, chọn mẫu phù hợp với tôi để kịp quay vào sáng sớm hôm sau. Tôi thấy tổ phục trang đã rất vất vả cho tạo hình nhân vật Tím. 

Về phần tóc cũng tốn kém khi sử dụng nhiều bộ tóc giả bởi nhân vật trải qua ba giai đoạn trẻ, trung niên, già, lúc nghèo hay khi có của dư đều phải định trang lại cho phù hợp. Nếu có thời gian chuẩn bị, tôi muốn gầy thêm vài cân, phơi nắng cho da nâu đều thì nhân vật Tím sẽ như mong muốn hơn. Một kỉ niệm đáng nhớ là có những cảnh tôi phải mặc áo của nam vì áo chuẩn bị cho diễn viên mà tôi thay thế quá nhỏ. Tuy nhiên, lên phim vẫn không ai phát hiện vì tổ trang phục đã có chiêu để làm chiếc áo nữ tính hơn”. 

Chính vì sự cầu kỳ, số lượng trang phục mỗi nhân vật lên đến 20 - 30 bộ, chi phí đầu tư cho khoản này thường rất cao. Các diễn viên "Lưới trời" đã rất tinh tế khi chia sẻ gánh nặng với đoàn phim. Diễn viên Hạ Anh đóng vai giàu sang nên phải chưng diện quần áo liên tục. Hạ Anh đã chủ động xin được may những bộ đồ cho nhận vật của mình để diễn tự tin hơn. Thân Thúy Hà gom hết những bộ quần áo bà ba từ xưa đến giờ từng đi diễn, mang lên đoàn để duyệt, tổ phục trang cũng thở phào vì nhẹ gánh lo hơn vì các diễn viên đều trên tinh thần hợp tác hỗ trợ hết mình.

Diễn viên Nhật Kim Anh nói: “Trang phục nói lên đúng tính cách, chuyển biến tâm lý và thân phận của Hạnh qua từng giai đoạn. Cảnh Hạnh bị cắt tóc, đạo diễn phải nhờ bên hoá trang mua 4 bộ tóc giả, cắt tới cắt lui, phải làm sao khi Hạnh nhìn thấy những lọn tóc của mình rớt xuống đất, cảm xúc phải đau khổ như bị cắt tóc thật. Khi nhân vật Hạnh trở thành phu nhân của bác sĩ giàu có, cô tự may thêm những bộ áo dài để nhân vật mình đẹp và sang hơn theo đúng kịch bản. Dù là tự may nhưng kiểu dáng, màu sắc và từng chi tiết trên áo dài đều phải thông qua đạo diễn và tổ thiết kế, được duyệt mới thực hiện”. 

Ngoài chuẩn bị phục trang cho nhân vật chính, các nhân vật phụ và quần chúng cũng phải được ăn mặc sao cho hợp thời, hợp cảnh. Hầu như phim nào của Nguyễn Phương Điền cũng phải may thêm đồ và đúng số đo, không thể nào thuê mướn vì nếu mặc không vừa sẽ không đẹp. Những trang phục này sau khi xong phim đoàn phim sẽ giữ lại. Đến khi khởi quay các bộ phim có bối cảnh tương tự, chúng sẽ được mang ra sử dụng và tái sử dụng.

Thanh Giang (VOV.VN)

Tin mới