Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà thơ có tài đàm phán xuất chúng, từng làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

(VTC News) -

Ông từng là nhà thơ, nhà báo làm đến chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người được nhắc đến chính là nhà thơ, nhà báo, nhà ngoại giao Xuân Thuỷ.

Xuân Thủy tên thật Nguyễn Trọng Nhâm (1912-1985), sinh tại thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), trong gia đình có truyền thống Nho giáo.

Từ nhỏ Nguyễn Trọng Nhâm sớm tham gia các tổ chức yêu nước, chống Pháp. Năm 1932, Nguyễn Trọng Nhâm giác ngộ rồi dùng báo chí để hoạt động cách mạng. Bút danh Xuân Thủy có từ thời kỳ này, rồi theo ông đến cuối đời.

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế (Ảnh tư liệu)

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế (Ảnh tư liệu)

Năm 1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa và được cử vào Ủy bạn Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ, rồi làm Trưởng ban tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, kiêm Chủ nhiệm báo Cứu quốc. Cuối năm 1945, ông được cử vào Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên, được phân công làm Trưởng Đoàn đại biểu Việt Minh, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I.

Khởi đầu sự nghiệp ngoại giao ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Xuân Thủy nhiều lần tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu đàm phán trực tiếp với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch và Việt Quốc, Việt Cách; giải quyết việc thành lập Chính phủ Liên hiệp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ những thành quả cách mạng tháng Tám.

Ông được đánh giá là người hoạt động xuất sắc trong cả ba binh chủng đối ngoại: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Ông cũng là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương những năm từ 1961-1979. Đây là giai đoạn khó khăn khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khủng hoảng về đường lối, có bất đồng và chia rẽ sâu sắc, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam phát triển mạnh, cần sự ủng hộ quốc tế.

Giai đoạn này, Xuân Thuỷ được giao thêm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (4/1963 - 4/1965). Hoàn cảnh khó khăn càng làm nổi bật bản lĩnh và tài trí của nhà ngoại giao Xuân Thủy.

Dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp ngoại giao của Xuân Thủy là thời kỳ từ năm 1968 - 1973, với tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Đây là một trong các trang sử chói lọi của ngành ngoại giao Việt Nam. Gần 5 năm đàm phán, trong khi phía Mỹ bốn lần thay Trưởng đoàn thì Xuân Thủy trước sau vẫn là Trưởng đoàn của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự nghiệp báo chí của Xuân Thủy rất vẻ vang. Ông là người đóng góp quan trọng trong việc chỉ đạo, trực tiếp chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Cả một đời không ham hố tiền tài, chức vụ, nhiều lần hiến tặng nhà cửa, từ chối đề bạt, nhường lối cho hậu sinh, Xuân Thủy là học trò đúng nghĩa của Bác Hồ. Tổng Bí thư Trường Chinh từng nhận xét về ông: "Có phong cách rất Bác Hồ. Ở anh Xuân Thủy người ta thấy có sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại".

Thiên Bình

Tin mới