Từ thời nhà Tần (thế kỷ thứ 3), một gia đình nếu không có con trai có thể tuyển một người đàn ông nghèo nhưng khỏe mạnh để lo hương hỏa làm con rể. Tuy nhiên, người con rể phải chấp nhận để con mình mang họ vợ và trách nhiệm với cha mẹ vợ luôn đặt lên trước cha mẹ ruột.
Nhưng tới thời Nhà Nguyên và nhà Minh (giữa thế kỷ 13 và 17), phong tục này lại bị cấm. Những người đàn ông chịu cảnh ở rể sẽ phải chịu sự khinh miệt của xã hội, bị gắn với cái tên "con rể thế chấp", "con rể dâng đến cửa".
Ở xã hội hiện đại của Trung Quốc, xu hướng từ thời Tần đang trở lại.
Thủ phủ con rể
Lý Kế Diên - một người làm nghề mai mối tới từ Tiêu Sơn, Hàng Châu nhiều năm qua chuyên tìm kiếm các sinh viên tốt nghiệp từ những tỉnh nghèo để kết hôn với các phụ nữ sống trong gia đình giàu có.
Giai đoạn 2006 -2015 là thời kỳ đô thị hóa cao điểm ở Tiêu Sơn, đồng thời cũng mở ra trào lưu "con rể tỉnh lẻ". Tiêu Sơn hiện được mệnh danh là thủ phủ con rể của Trung Quốc.
Nằm trên số 944, phố Tây Hà, văn phòng của Lý nổi tiếng khắp gần xa vì độ mát tay của anh. Tính tới hiện tại, "ông mối" này đã thành công ghép đôi cho 1.000 cặp vợ chồng.
"Phá bỏ quan niệm nam nữ truyền thống hàng nghìn năm. Đặt ra quan niệm mới cho cả phụ nữ và đàn ông trong cả nước", thông điệp trên tấm băng rôn chăng bên ngoài văn phòng.
Ngồi tại văn phòng nằm trong một tòa nhà 4 tầng, Lý liên tay nhận điện thoại.
Văn phòng của Lý dán đầy các bức ảnh đóng khung ghi lại cảnh anh được truyền thông Trung Quốc phỏng vấn. (Ảnh: QQ)
"Anh làm nghề gì", "Từng học gì?", "Chiều cao của anh là bao nhiêu", "Mức lương hàng năm thì sao", Lý hỏi một cách máy móc.
Một người ở đầu máy bên kia đáp chỉ có bằng trung học. Lý lập tức cúp máy.
Một người khác gọi tới, xưng là hiệu trưởng một cơ sở đào tạo. Khác với thái độ trước đó, Lý niềm nở, luôn miệng nói "hoan nghênh", "hoan nghênh".
Lý cho biết nhiều năm qua anh vẫn luôn giữ duy trì nguyên tắc "tuyển người" của văn phòng. Đó là tốt nghiệp ít nhất cao đẳng nghề, kiếm được tối thiểu 100.000 NDT (khoảng 360 triệu đồng) mỗi năm và cao trên 1m7. Họ không cần phải sở hữu các bất động sản ở Hàng Châu. Nhưng các chàng trai có thể phải chấp nhận điều kiện từ nhà vợ tương lai rằng đứa con sẽ mang họ mẹ.
Nhiều tiêu chuẩn là vậy nhưng văn phòng của Lý chưa bao giờ vắng khách. Các chàng trai tỉnh lẻ vẫn đổ xô tới gặp anh với hy vọng có cơ hội thay đổi vận mệnh.
Đối tượng tới văn phòng Lý cũng rất đa dạng từ nghiên cứu sinh, người Trung Quốc gốc UAE, diễn viên... Phí đăng ký tối thiểu là 1.500 NDT. Lý cam kết sẽ tìm giúp họ ý trung nhân là các quý cô giàu có trong thành phố trong 2 năm.
Do rất đông người đăng ký nên có những người phải đợi tới 5 tháng mới được ghi tên vào danh sách chờ.
Một cuộc điều tra dân số được công bố hồi tháng 5 cho thấy dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh. Trung Quốc cũng là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Mặc dù chính sách một con bị bãi bỏ từ năm 2016 và được nới lỏng hơn nữa gần đây, nhiều gia đình vẫn ngại đẻ, dẫn tới tình trạng chênh lệch giới tính ở Trung Quốc.
Kết quả cuộc điều tra dân số cho thấy cứ 100 bé gái Trung Quốc thì lại có tới 111 bé trai. Khi nữ giới ít hơn, họ có quyền chọn người sẽ kết hôn với mình.
Một nghiên cứu từ vài năm gần đây cho thấy, số sinh viên nữ theo học tại các trường đại học đông hơn các nam sinh. Cùng với đó, sinh viên nữ thường tới từ các gia đình giàu có ở các thành phố lớn, theo học các ngành nghệ thuật. Trong khi các sinh viên nam có xu hướng tới từ các gia đình nghèo, ở tình lẻ, theo học các ngành khoa học kỹ thuật.
Nhiều gia đình có nhà tại các thành phố lớn ở Trung Quốc phất lên nhanh chóng sau một thời kỳ bùng bổ bất động sản kéo dài. Không ít gia đình trong số này chọn sinh một con gái và đặt nhiều tham vọng vào con gái mình khi tư tưởng trọng nam khinh nữ không còn quá bị đè nặng trong xã hội hiện tại.
Quy tắc trò chơi
Kể cả khi qua được vòng ghi danh, các ứng viên được Lý tuyển lựa vẫn phải vượt qua vòng "phỏng vấn" từ nhà vợ tương lai. Một số gia đình đặt ra các tiêu chuẩn nhất định như đẹp trai, thông minh - vốn được coi là yếu tố quan trọng để cháu họ có thể thừa hưởng những đặc điểm này.
"Đôi khi hai bên sẽ dùng bữa gặp mặt. Các phụ huynh có thể hỏi thêm thông tin trên bàn ăn, đồng thời quan sát dáng vẻ và hành vi của con rể", Nguyệt Hàm - một sinh viên đại học ở Tiêu Sơn cho hay.
Nguyệt Hàm nói nhiều bạn học của cô đều là con của các gia đình có bố là người tỉnh lẻ, mẹ xuất thân trong gia đình giàu có ở Tiêu Sơn.
Nhiều người đàn ông tới từ tỉnh lẻ đổi đời sau khi lấy vợ giàu ở Tiêu Sơn. (Ảnh minh hoạ)
Các bố mẹ vợ tương lai cũng sẽ đánh giá con rể mình thông qua món quà mang tới lần gặp mặt đầu tiên.
"Trong số quà chuẩn bị phải có trái cây, không cần số lượng lớn nhưng cần phải gói đẹp đẽ trong hộp. Đồ cũng không được rẻ quá vì sẽ dễ bị đánh giá", Nguyệt Hàm chia sẻ.
Theo Nguyệt Hàm, với hầu hết các gia đình có chồng là người tỉnh lẻ, vợ là người gốc Tiêu Sơn mà cô biết, người vợ sẽ là người quán xuyến mọi thứ trong gia đình. Họ cầm toàn bộ kinh tế và thường là người thanh toán hóa đơn khi 2 vợ chồng ra ngoài. Người chồng sẽ đưa thẻ lương cho vợ và sẽ chỉ đươc trao một khoản sinh hoạt phí mỗi tháng.
Nguyệt Hàm cho rằng đây là quy tắc của trò chơi. "Nếu đã tham gia cuộc chơi thì bạn phải tuân thủ quy tắc. Người phụ nữ sẽ không bao giờ chịu cảnh ngồi không ở nhà", cô này cho hay.
Tờ QQ dẫn ra một trường hợp tới từ trị trấn vùng quê Trú Mã Điếm ở tỉnh Hà Nam. Anh này không được học hành bài bản và chỉ là một quản đốc nhỏ trong nhà máy. Gia đình đông anh em và không mấy khá giả nên anh đến Tiêu Sơn làm việc và kết hôn thông qua một công ty hẹn hò.
Vài năm sau khi kết hôn, bố của người đàn ông ốm nặng, nhưng anh không thể về quê vì vợ và bố mẹ chồng không ủng hộ việc đó. Anh này nói bản thân cảm thấy xấu hổ vì không làm tròn trách nhiệm của một người con. Cũng có một số trường hợp do không chịu được sự chế nhạo của gia đình giàu có nhà vợ nên đã bỏ hẳn về quê.
Nhưng theo Vương Yến Phong - một người dân ở Tiêu Sơn, phần đa các gia đình khá giả và con gái họ đều đối xử với con rể mình rất tốt.
"Một số phụ nữ trong kiểu hôn nhân này có phần chấp nhận số phận. Họ nhận ra mình là "gái ế" và cố gắng khoan dung với chồng", Vương nói.
Chị họ của Lưu Y Lâm - một người gốc Tiêu Sơn chỉ tốt nghiệp một trường trung học nghề nhưng là con một gia đình khá giả. Cô kết hôn ở tuổi 30, được coi là muộn ở địa phương. Cô rất hài lòng với người chồng quê ở An Huy từng là bộ đội và giờ chuyển sang làm công chức nhà nước.
Lưu cho rằng sự hòa hợp trong hôn nhân của chị họ mình một phần là vì gia đình chị họ đối xử với con rể rất tốt. Họ không hề chê bai xuất thân của con rể.
Nhiều người con rể ngoại tỉnh cũng thực sự đã đổi đời như ý nguyện của họ.
Một người đàn ông quê ở Giang Tây cho biết cuộc sống của anh sau khi lấy vợ thay đổi rất nhiều.
"Năm ngoái tôi chỉ lái con Buick Roewe. Giờ thì đổi sang Mercedes rồi", anh này chia sẻ.
Khi được hỏi "bí quyết" đổi xe, người đàn ông chia sẻ: "Mấu chốt là gặp được người có xuất thân cao quý, là bố vợ tôi".
Nhiều gia đình giàu có ở Trung Quốc muốn có con rể tỉnh lẻ phụng dưỡng mình về già.
Bố vợ của người đàn ông sắm sửa nhà của vợ chồng anh rất đầy đủ.
"Vợ tôi chẳng có yêu cầu gì. Chỉ là cô ấy thường chê hoa quả trong nước không tươi nên tôi thường nhờ người vận chuyển trái cây từ Thái Lan sang", anh này nói, nhưng đồng thời thừa nhận cuộc hôn nhân của mình không hề xuất phát từ tình yêu.
Tại văn phòng của Lý Kế Diên, một người đàn ông hối hả bước vào văn phòng. Anh ta nói mình vừa đáp máy bay tới. Người đàn ông khoảng 30 tuổi, nước da ngăm đen.
Khi Lý Kế Diên nói anh không đáp ứng yêu cầu để trở thành ứng viên, người đàn ông tỏ vẻ cáu kỉnh: "Tôi rất nổi tiếng ở quê đó, có rất nhiều người theo đuổi tôi", anh ta nói với vẻ giận dữ trước khi bỏ đi.
Sau đó, lại có thêm 2 thanh niên trẻ nữa đứng ở ngoài cửa.
Một nam thanh niên nói với người bạn đi cùng: "Vào đi, có gì xấu hổ đâu cơ chứ".
Nam thanh niên bước vào, ngượng ngùng nói muốn đăng ký, nhưng thừa nhận mình chỉ bằng trung cấp kỹ thuật. Cuối cùng, nam thanh niên đành phải ra về vì không đủ tiêu chuẩn.