Khi một trong những ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm bắt đầu mờ đi vào năm 2019, các nhà thiên văn cố gắng tìm hiểu liệu "siêu mặt trời" này có sắp bùng nổ hay không.
Hiện tượng này cuối cùng cũng được giải đáp.
Hình ảnh mô phỏng quá trình plasma siêu nóng phóng ra từ bề mặt Betelgeuse. (Ảnh: STScI)
Tháng 10/2019, Betelgeuse, có kích thước gần gấp 1.000 lần Mặt trời, nằm cách Trái đất khoảng 725 năm ánh sáng trong chòm sao Orion bất ngờ mờ đi.
Thông thường, khi một ngôi sao mờ đi, giả thiết được đặt ra là một vụ nổ siêu tân tinh có thể sắp xảy ra.
Tuy nhiên, các quan sát từ Kính viễn vọng Hubble đã tiết lộ lý do khác. Theo đó, plasma siêu nóng phóng ra từ bề mặt Betelgeuse giống như bong bóng hình thành trên nước sôi dần nguội đi trước khi chuyển thành đám mây bụi.
Đám mây bụi này sau đó chặn ánh sáng từ khoảng 1/4 bề mặt Betelgeuse, làm giảm độ sáng tổng thể của nó tới 2/3.
Hiện tại, Betelgeuse đã trở lại độ sáng vốn có của nó. Hiện tượng Betelgeuse mờ đi diễn ra trong chưa đầy 1 năm và cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích nguyên nhân dẫn tới vụ phun trào plasma trên bề mặt "siêu mặt trời này".