Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Zaporizhzhia khi xung đột ở Ukraine tiếp diễn

(VTC News) -

Các cuộc pháo kích mới đây vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine gây ra quan ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ hơn vụ Chernobyl.

Hôm qua (12/8), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp bàn về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine, theo đề xuất của Nga, do nhà máy đang do Nga kiểm soát này bị tấn công tên lửa nhiều lần.

Theo cả phía Nga và Ukraine, loạt tấn công mới nhất xảy ra 5 lần vào ngày 11/8 và địa điểm gần khu phóng xạ đã bị đánh trúng.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia tại Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công vào nhà máy, cáo buộc đối phương đang coi thường sự an toàn của người dân trong một khu vực rộng lớn, gồm miền Đông Ukraine, các quốc gia láng giềng châu Âu. Tuy nhiên, những lời kêu gọi về một cuộc điều tra nhanh chóng rất khó có thể thực hiện trong bối cảnh xung đột hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đề xuất một khu phi quân sự tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân này. Người phát ngôn của Tổng thư ký Stéphane Dujarric cho biết: “Thật tiếc, thay vì giảm leo thang, trong nhiều ngày qua, đã là những báo cáo về các sự cố đáng lo ngại hơn nữa tại nhà máy điện hạt nhân. Nếu tiếp tục, điều này có thể dẫn đến thảm họa. Tổng thư ký kêu gọi tất cả các hoạt động quân sự ở khu vực lân cận nhà máy phải ngừng ngay lập tức. Ông ấy kêu gọi các bên rút quân. Thay vào đó, cần có thỏa thuận khẩn cấp ở cấp độ kỹ thuật về chu vi phi quân sự hóa để đảm bảo an toàn cho khu vực nhà máy”.

Đề xuất đã được các nước phương Tây, bao gồm Mỹ ủng hộ. Ukraine tất nhiên cũng muốn Nga rút khỏi nhà máy điện hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, Nga đã kịch liệt phản đối việc thiết lập khu phi quân sự quanh nhà máy. Theo Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasyl Nebenzia, việc phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sẽ khiến cho nhà máy gặp nguy hiểm bởi những bên có động cơ xấu.

Nga không thể loại trừ khả năng những vụ khiêu khích và tấn công khủng bố sẽ được thực hiện nhằm vào nhà máy điện hạt nhân này. Nhà máy cần sự bảo vệ của quân đội Nga. Đây cũng là quan điểm từ đầu của Nga khi cố gắng kiểm soát nhà máy này hồi tháng 3. Tuy nhiên, Nga vẫn để các nhân viên Ukraine vận hành và bảo trì nhà máy một cách bình thường.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cũng đề nghị cả Nga và Ukraine hợp tác nhằm cho phép các chuyên gia IAEA tiếp cận cơ sở hạt nhân này “càng sớm càng tốt”. Ông này cũng cho biết, dù bị tấn công nhưng theo đánh giá ban đầu nhà máy điện hạt nhân vẫn an toàn; song cảnh báo tình hình có thể sẽ thay đổi nếu tấn công tiếp diễn:

Dựa trên những thông tin gần đây nhất, các chuyên gia của IAEA đã đánh giá sơ bộ rằng không có mối đe dọa hạt nhân ngay lập tức nào tại nhà máy điện do hậu quả của các cuộc pháo kích hoặc các hành động tấn công khác. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Tất cả đều có thể đồng ý rằng bất kỳ thảm họa hạt nhân nào đều không thể chấp nhận được và do đó việc ngăn chặn nó phải là mục tiêu bao trùm của chúng ta”.

Đình Nam (VOV1)

Tin mới