Gắn bó với nghề làm vườn từ nhỏ và nổi tiếng nhờ biệt tài trồng cam canh chỉ 1 năm đã cho quả sai trĩu cành (thay vì mất 4 năm như thông thường), năm 2008, ông Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lúc bấy giờ mới 54 tuổi bắt tay vào việc trồng cây ngũ quả lần đầu tiên trong đời.
Ông chọn gốc chính là gốc cây cam, chọn 5 loại quả được ghép là bưởi, phật thủ, cam, quất và quýt tượng trưng cho 5 thế hệ trong một gia đình: tổ tiên, ông bà, bố mẹ, con, cháu.
Chia sẻ với phóng viên VTC News, ông Giáp cho biết: "Lúc đó tôi nghĩ, ngày Tết mà bà con mà cứ chơi mãi cây đào, quất cũng sẽ nhanh nhàm, chán. Vì vậy, tôi liền nảy ý tưởng ghép một cây có 5 loại quả tượng trưng cho mâm ngũ quả tròn đầy của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán".
Tuy nhiên, năm đầu tiên bắt tay vào thực hiện, ông Giáp thất bại ê chề vì chưa hiểu được đặc tính của mỗi loại cây cho quả chín vào các thời điểm khác nhau. Không nản lòng, sang năm thứ 2 ông tiếp tục trồng thử nghiệm cây ngũ quả và rút kinh nghiệm từ lần trước. Giảm bớt số lượng quả, thay gốc cam bằng gốc bưởi để làm cây chính.
Cứ như vậy, sản phẩm cây ngũ quả ngày càng hoàn thiện hơn, đẹp hơn và phù hợp với thị hiếu của khách hàng hơn.
Cây ngũ quả của ông Giáp gồm 5 loại quả đặc trưng cho ngày Tết là bưởi, cam, quýt, quất và phật thủ. Nhưng để mang lại ý nghĩa “thập toàn thập mỹ”, cây ngũ quả lại gồm 10 giống quả khác nhau gồm: bòng, bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam đường, cam vinh, cam Nghệ An - quýt - chanh đào - quất - phật thủ.
“Thời gian đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không tính toán trước độ chín của các loại quả ghép trên thân cây. Loại quả ưu tiên để ghép là bưởi (bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh…) vào tháng 4. Sau đó, tháng 5 ghép các loại cam, chanh đào, đến tháng 9 bắt đầu ghép quả phật thủ, quất”, ông Giáp chia sẻ.
Theo ông Giáp, muốn quả ghép phát triển bình thường trên thân cây mới, người ghép phải khéo léo và cẩn thận từng chút để ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilon ở vết ghép để quả có chất dinh dưỡng. Tiếp đó là bón phân, phun thuốc trừ sâu theo định kỳ.
Thời gian kể từ khi chọn cây, tiến hành ghép cho đến khi cho thu hoạch là một năm. Cây ngũ quả do ông tạo sẽ giữ màu sắc và hương vị đến hết tháng Giêng, ba tháng sau Tết, thậm chí tới cuối xuân.
Năm nay, ông Giáp đã 68 tuổi và đã trải qua 14 năm “ăn nằm” cùng bonsai ngũ quả. Vườn cảnh của ông giờ đã nổi tiếng khắp miền Bắc, trở thành điểm nhất định phải đến của giới chơi cây cảnh mỗi độ Tết đến, xuân về.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, giúp bất cứ ai đến vườn cũng có thể mua được cây cảnh chơi Tết, ông Giáp đã chủ động làm ra các loại cây ngũ quả với nhiều phân khúc giá khác nhau. Thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 10 triệu đồng mỗi cây.
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 này, ông Giáp tung ra thị trường 100 cây ngũ quả lớn nhỏ.