Giới chuyên gia nhận định, điều này sẽ khiến giá vàng miếng trong nước nhanh chóng hạ nhiệt, sau thời gian dài tăng dữ dội, liên tục xô đổ các kỷ lục lịch sử.
“Một điều đương nhiên là giá vàng miếng sẽ đi xuống sau khi lượng cung được tăng. Tôi nghĩ giá sẽ giảm xuống tương đương với vàng nhẫn. Nếu còn khoảng cách thì cũng không đáng kể, không còn cảnh cách nhau đển cả chục triệu đồng/lượng nữa”, PGS TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Nói về biện pháp tăng nguồn cung vàng miếng, theo ông Thịnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là đơn vị trực tiếp nhập vàng nguyên liệu. Ngoài ra, việc tăng cung cũng có thể được thực hiện bằng cách cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng miếng.
Lúc đó sẽ cần những điều kiện cụ thể để xác định đâu là doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng việc này sẽ mất thời gian. Về lâu về dài, nhà quản lý có thể sẽ phải làm việc này nhưng ở thời điểm hiện tại, phương án tăng cung vàng miếng nhanh nhất là dập thêm vàng miếng SJC.
Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng - cho biết, căn cứ vào Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, NHNN là đơn vị phải thực hiện tăng cung vàng miếng, điều này phù hợp với những điều kiện pháp lý hiện hành.
Do đó, nếu muốn tăng cung, NHNN sẽ nhập vàng và thực hiện đúc dập vàng miếng theo quy định. Nếu trong trường hợp NHNN không thực hiện mà giao cho doanh nghiệp đủ điều kiện thì trước tiên sẽ phải xử lý các vấn đề pháp lý.
Vàng miếng sẽ được tăng nguồn cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. (Ảnh: Minh Đức)
Một chuyên gia khác phân tích, trước đây, giá vàng miếng SJC luôn tăng mạnh hơn vàng nhẫn, vàng trang sức. Lý do vàng miếng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Trong hơn 10 năm qua, SJC không nhập thêm hàng trong khi có một phần vàng miếng đã chuyển hóa thành vàng trang sức. Vì thế vàng miếng SJC trở nên hiếm hơn. Người tiêu dùng khi mua vàng miếng SJC không chỉ là đang mua vàng mà còn là mua thương hiệu, từ đó thúc đẩy giá loại vàng này lên.
Tuy nhiên, từ khi có thông tin Nghị định 24 sẽ được sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC đã có tốc độ tăng chậm hơn giá vàng nhẫn, vàng trang sức. Và đến khi NHNN thực hiện tăng cung thì nhiều khả năng hai loại vàng trên thị trường trong nước sẽ bắt kịp nhau.
"Việc can thiệp tăng cung vàng miếng của NHNN sẽ làm cho giá vàng miếng tăng chậm hơn nữa và có thể giảm xuống để tiến sát với mức giá vàng nhẫn, vàng trang sức, đồng nghĩa với việc giá vàng miếng sẽ thu hẹp độ chênh với giá vàng thế giới", vị này dự đoán.
Trưa 12/4, trước diễn biến tăng nóng của giá vàng trong nước, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo kết luận về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết sẽ triển khai ngay các giải pháp gồm:
Đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Đối với hoạt động thanh tra, NHNN và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Ngay sau động thái của NHNN, giá vàng miếng đã "bốc hơi" nửa triệu đồng/lượng.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch chiều 12/4, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so mức giá đỉnh ở phiên giao dịch sáng.
Trong khi đó giá vàng miếng tại Doji giao dịch ở mức 82,8 - 84,8 triệu đồng/lượng (mua -bán).
Như vậy, sau khi đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại 85 triệu đồng/lượng vào buổi sáng thì giá vàng đã quay đầu suy giảm vào phiên giao dịch buổi chiều.
Tuy nhiên, nếu so với ngày đầu tháng 4, mỗi lượng vàng miếng cũng đã tăng gần 5 triệu đồng (giá bán cao nhất ngày 1/4 là 80,08 triệu đồng/lượng).