Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 7-11/6 của SSI Research cho biết sau một vài tuần ghi nhận xu hướng tăng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã quay đầu giảm mạnh trong tuần vừa qua.
Sau 4 tháng không phát sinh giao dịch qua thị trường mở, NHNN trở lại bơm ròng lượng nhỏ tiền trong tuần đầu tháng 6. (Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp)
Theo dữ liệu thị trường, nguồn cung VND từ các ngân hàng thương mại lớn dồi dào hơn đã khiến lãi suất liên ngân hàng giảm từ 0,3-0,32 điểm % so với tuần liền trước, chốt tuần ở mức 1,123%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,255%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Tuy giữ xu hướng giảm trong tuần gần nhất nhưng mức lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn cao gấp 2-3 lần so với tháng 3 và đầu tháng 4. Điều này cho thấy dù thanh khoản của các ngân hàng đã tích cực trở lại nhưng vẫn không dồi dào như cuối quý I trước đó.
Tuần vừa qua cũng đánh dấu việc Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tiền trở lại thông qua nghiệp vụ thị trường mở sau gần 4 tháng không phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, giá trị bơm ròng của NHNN chỉ đạt 1,08 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày.
Lần gần nhất cơ quan quản lý tiền tệ bơm tiền ra thị trường thông qua kênh thị trường mở là tuần làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Cụ thể, trong 2 ngày làm việc cuối cùng trước Tết, NHNN đã bơm ròng 11.060 tỷ đồng qua mua kỳ hạn để bổ sung thanh khoản cho các ngân hàng bước vào kỳ nghỉ Tết với nhu cầu tiền mặt của người dân tăng mạnh.
Cũng trong giai đoạn này, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức cao đạt 2,27%/năm với kỳ hạn qua đêm do nhu cầu tiền đồng tăng.
Từ sau Tết, NHNN đã ngừng giao dịch mới trên thị trường mở, các khoản mua kỳ hạn trước đó dần đáo hạn, tổng cộng hút ròng 8.530 tỷ đồng trong tuần làm việc đầu tiên sau Tết. Từ đó đến nay, cơ quan quản lý chưa thực hiện giao dịch trên thị trưởng mở, đồng thời dừng giao dịch mua ngoại tệ giao ngay và chỉ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn.
Trong đó, NHNN đã ghi nhận giao dịch mua ròng gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng (tỷ giá bán 23.125 đồng/USD) từ các ngân hàng thương mại trong 2 tháng đầu năm. Tạm tính theo tỷ giá ở thời điểm bán, số ngoại tệ được NHNN mua về tương đương khoảng 157.000 tỷ đồng. Lượng lớn tiền đồng này dự kiến được bơm ra thị tường tại thời điểm đáo hạn vào tháng 7 và 8, nếu các ngân hàng thương mại không hủy ngang.
Theo các chuyên gia của SSI Research, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang ghi nhận xu hướng giảm sâu gần đây, xác suất các ngân hàng thương mại hủy ngang giao dịch bán USD kỳ hạn kể trên là rất thấp.
Như vậy, trong tháng 7 và 8 tới, một lượng lớn tiền đồng sẽ được bơm ra thị trường, dự kiến lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn.
Thị trường tiền tệ dự kiến đón một lượng lớn tiền đồng vào tháng 7-8 tới khi giao dịch mua USD kỳ hạn của NHNN đến hạn. (Ảnh: Hoàng Hà)
Trên thị trường tiền gửi, lãi suất các ngân hàng đưa ra vẫn ổn định ở mức 2,9-4%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,5-5,3%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 4,6- 6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng khi một số ngân hàng thương mại cổ phần đang tăng nhẹ (0,1-0,3 điểm %) với các khoản tiền gửi khách hàng cá nhân.
Tại thị trường ngoại tệ trong nước, tuần qua NHNN đã hạ 150 đồng/USD đối với tỷ giá mua vào ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, xuống mức 22.975 đồng/USD. Điều này đã khiến tỷ giá USD/VND giảm mạnh.
Trong đó, tỷ giá USD niêm yết của các ngân hàng thương mại đã giảm 50 đồng/USD chiều mua vào và 80 đồng/USD chiều bán ra, xuống mức 22.820-23.050 đồng/USD. Trên thị trường tự do, mức giảm lần lượt là 125 đồng chiều mua và 135 đồng chiều bán, hiện phổ biến ở mức 23.030-23.080 đồng/USD.
Theo các chuyên gia, đồng USD vẫn đang duy trì ở vùng thấp trên thị trường quốc tế nên tỷ giá trong nước vẫn sẽ giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn.