Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Netflix bị truy tố vì phát hành phim Cuties tại Mỹ

Bang Texas đã chính thức có hành động pháp lý với bộ phim gây tranh cãi Cuties, được phát hành trên hệ thống phát hành phim trực tuyến Netflix.

Tờ The New York Times ngày 7/10 đưa tin, bồi thẩm đoàn quận Tyler, Texas truy tố Netflix vì đã quảng bá và phát hành phim "có sử dụng hình ảnh bộ phận sinh dục hoặc khu vực gần bộ phận sinh dục trẻ em, dù hở hay có quần áo", theo luật bang. Họ cũng cho rằng poster phim "khơi dậy ham muốn tình dục không lành mạnh, không mang giá trị về văn chương, nghệ thuật, chính trị hay khoa học một cách nghiêm túc".

Hai giám đốc điều hành của Netflix là ông Reed Hastings và Ted Sarandos được nêu danh với hành vi "dung túng một cách khinh suất" việc quảng bá phim.

Trong một thông cáo, luật sư Lucas Babin của Văn phòng biện lý quận Tyler, đại diện bên buộc tội, khẳng định, các nhà lập pháp của bang Texas tin rằng, việc truyền bá các sản phẩm thô thiển, liên quan tới trẻ em sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng và việc của ông ta là đảm bảo công lý được thi hành nghiêm minh.

Vì cáo trạng miêu tả hành động truyền bá bộ phim Cuties như một trọng tội, Netflix sẽ bị triệu tập đến tòa. Tuy nhiên, chưa rõ ngày nào thì buổi triệu tập diễn ra.

Cuties phải chịu làn sóng phản đối ngay từ khi được chiếu trên Netflix

Phía Netflix cũng đã có những phản hồi về lùm xùm mới nhất này. Trả lời với Reuters, Netflix vẫn khẳng định, Cuties giống một bài bình luận xã hội chống lại xu hướng gợi cảm hóa trẻ em. Bộ phim là câu chuyện về áp lực mà các bé gái phải đối mặt trên mạng xã hội, cũng như ngoài đời thực trong bối cảnh vấn đề này ngày càng phổ biến.

"Cáo buộc này thiếu sự khoan dung và chúng tôi đứng về bộ phim", Netflix tuyên bố.

Tại Việt Nam, Cuties được chiếu trên hệ thống Netflix với tựa tiếng Việt Vũ công nhí đáng yêu. Trước những luồng dư luận phản đối bộ phim này trên thế giới, các chuyên gia trong nước cũng đã đặt ra nhiều tâm tư.

Trao đổi với báo Đất Việt, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thẳng thắn cho rằng, trong hệ thống các cơ quan và người có thẩm quyền quản lý văn hóa, bảo vệ quyền trẻ em từ cấp bộ xuống tới các địa phương, cũng như các nhà văn hóa ở Việt Nam, chưa có những phản ứng kịp thời và đúng mức đối với bộ phim này.

Theo ông Sơn, có thể nói, đây là một sự chậm trễ, vô cảm, khó chấp nhận ở Việt Nam đối với những hiện tượng văn hóa tiêu cực, ngoại lai xâm nhập. Đây là một lỗ hổng về quản lý văn hóa khá lớn, khá nghiêm trọng.

"Sự chậm trễ, vô cảm trong nhận thức, quản lý một hiện tượng, sự kiện văn hóa đặc biệt như bộ phim Vũ công nhí đáng yêu nên được xử lý như thế nào để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý văn hóa? Liệu có lại phải chấp nhận những sự giải thích rằng đây là một sự kiện mới, chưa kịp tiếp cận, tìm hiểu, hoặc do thiếu cơ chế quản lý phù hợp, khi mà tác động tiêu cực của bộ phim đang là một thực tế tồn tại gây hậu quả cho một bộ phận công chúng, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên Việt Nam?", vị chuyên gia đặt loạt câu hỏi.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Trương Văn Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, nếu thấy các sản phẩm văn hóa trong nước hay ngoại nhập ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đến văn hóa, tập quán, lối sống... của người dân Việt Nam như kích động bạo lực, chứa nội dung phản cảm, tuyên truyền văn hóa đồi trụy, phân biệt đối xử với trẻ em, người già, người tàn tật...  thì cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền không cho lưu hành tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Đất Việt

Tin mới