Theo đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, dù trong năm 2020 lãi suất huy động giảm nhưng nếu so với USD, giữ VND vẫn lợi hơn.
“Giữ VND trong bối cảnh 2021 vẫn hiệu quả hơn USD do tỷ giá USD/VND tiếp tục được ổn định. Xuất khẩu tăng và dự trữ ngoại hối vẫn trên đà tăng trưởng”, một lãnh đạo ngân hàng cho hay.
Tỷ giá USD đang ở ngưỡng thấp nhất gần 3 năm. Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) chỉ đứng ở mức 89,64 điểm.
USD giảm mạnh trước thông tin một loạt vaccine ngừa COVID-19 cho kết quả thử nghiệm khả quan, thúc thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh. Các tài sản có độ rủi ro cao hơn khác cũng đồng loạt tăng giá. Trái lại, USD trượt giá nhanh so với các đồng tiền mạnh khác.
Tỷ giá năm 2021 được dự đoán sẽ không có nhiều biến động.
Cùng với bước tiến về vaccine COVID-19, USD còn chịu sức ép mất giá từ việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Quốc hội Mỹ có thể sắp thông qua một gói kích cầu kinh tế mới, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để vực dậy tăng trưởng.
Hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang cố gắng thông qua một gói kích cầu trị giá 908 tỷ USD. Một lượng tiền như vậy bơm vào nền kinh tế, cộng thêm lãi suất cơ bản siêu thấp, chính là một công thức cho sự mất giá của đồng USD.
Trong khi đó, nhiều ý kiến phân tích cho rằng, năm 2021, có nhiều yếu tố thúc đẩy tiền đồng mạnh lên như: Kinh tế vĩ mô hồi phục nhanh, áp lực lạm phát được dự báo giảm, USD sẽ tiếp tục suy yếu...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tỷ giá VND/USD biến động trong biên độ hẹp +/- 0,5%. Điều này tác động tích cực đến nền kinh tế như: Kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Năm 2020, câu chuyện điều hành tỷ giá là một trong những điểm nhấn của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tỷ giá các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh trong năm 2020 do chịu sự tác động nhiều chiều, trong đó tác động lớn nhất là từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND khá ổn định.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 0,3% so với cuối năm 2019. Hướng tăng này được cho là sự chủ động của nhà điều hành để đưa tỷ giá trung tâm trở nên cân bằng hơn so với các mức tỷ giá giao dịch trên các thị trường.
Thực tế, trong năm 2020, tỷ giá VND/USD xuất hiện 2 đợt biến động mạnh vào tuần cuối của tháng 3. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, tỷ giá đã quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong quý II, III và quý IV.
Ngoài ra, việc Ngân hàng nhà nước tích cực mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối trong vòng gần một năm qua cũng đã phần nào chặn đà giảm của tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng và giúp VND giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác trong rổ 6 đồng tiền tham chiếu, đặc biệt là với các đồng tiền như CNY, EUR, JPY...