Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ 'hụt hơi' với lời hứa hỗ trợ Ukraine đến cùng

(VTC News) -

Các vấn đề trong nước cũng như tương lai khó dự đoán của cuộc xung đột ở Ukraine và ảnh hưởng của nó khiến Mỹ "thấm mệt" và hụt hơi trong nỗ lực ủng hộ Kiev.

Trong tuyên bố đưa ra đầu tháng 7, Tổng thống Biden khẳng định Washington sẽ “gắn bó với Ukraine lâu dài” và ủng hộ Kiev đến cùng. 

Tính tới hiện tại, chính quyền của ông đã cung cấp 8,2 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine. Hồi tháng 4, Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ khẩn cấp về quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay cho Kiev trị giá 40 tỷ USD. Con số này nhiều hơn những gì mà ông Biden yêu cầu và cao hơn ngân sách hàng năm của một số đồng minh EU của Mỹ. 

Nhưng khi chiến sự bước sang tháng thứ 6 và chưa rõ tương lai của cuộc xung đột, ngay cả các đồng minh thân cận nhất của nhà lãnh đạo Mỹ đang bắt đầu đặt câu hỏi Washington đã thấm mệt hay chưa.

Tỷ lệ ủng hộ ông Biden trong cuộc khảo sát mới nhất giảm xuống còn 40%, mức kỷ lục kể từ khi ông nhậm chức. Lạm phát tại Mỹ chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ. 

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Dân chủ của ông Biden nhiều khả năng sẽ mất quyền kiểm soát lưỡng viện trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới. 

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M777 do Mỹ viện trợ ở Donetsk. (Ảnh: Reuters)

Trong bài báo đăng trên tờ Delaware Online, Chris Coons - nghị sỹ dân chủ và là đồng minh của ông Biden ca ngợi tinh thần đoàn kết của NATO tại một hội nghị ở Madrid vào tháng trước. Dù vậy, ông Coons lo ngại về cam kết của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến sẽ còn kéo dài. 

Viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine chỉ kéo dài tới tháng 9. Một vài nghị sỹ Mỹ kêu gọi Quốc hội cần thông qua một gói hỗ trợ mới trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Hầu hết họ đều cho rằng sẽ rất khó để có thể tìm kiếm đồng thuận giữa các nhà lập pháp sau đó liên quan tới vấn đề này. 

"Đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn. Các màn "chào hàng" lần trước đã không còn đủ tốt bởi chiến tranh đã thay đổi về căn bản và tình hình trong nước cũng đã khác", một nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết. 

Nhiều người Mỹ vẫn ủng hộ giúp đỡ Ukraine và một số thậm chí còn mong chính phủ làm nhiều hơn bất chấp cái giá kinh tế mà họ phải trả. 

Theo khảo sát của YouGov tháng này, 39% người Mỹ được hỏi cho rằng chính sách của chính quyền ông Biden cần cứng rắn hơn. Hơn một nửa ủng hộ các hình thức hỗ trợ khác.

Nhưng không ít người Mỹ cũng đang mệt mỏi với các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Biden áp đặt với Nga trong nỗ lực cắt nguồn cung tài chính mà Moskva dùng để hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề cộng đồng của hãng tin AP (AP-NORC) cho thấy người Mỹ có xu hướng giảm sự ủng hộ đối với các lệnh trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine khi các biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp tới "hầu bao" của họ.

Việc ủng hộ Mỹ tiếp tục lún sâu vào xung đột Ukraine cũng có sự phân cực sâu sắc ở Mỹ. Người theo phe Cộng hòa tỏ ra thận trọng hơn so người ủng hộ Dân chủ. Khoảng 1/5 thành viên đảng Cộng hòa tin rằng ông Biden nên cứng rắn hơn trong khi 43% không muốn chi thêm tiền cho Kiev. Họ cũng không ủng hộ cấp thêm vũ khí cho Ukraine như người Dân chủ. 

Các trợ lý quốc hội chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng tới sự ủng hộ dành cho Ukraine cho người Mỹ. 

Thứ nhất là tính phức tạp của cuộc bầu cử giữa kỳ. Nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện, điều được quan tâm hàng đầu là phe nào trong đảng này sẽ chiếm ưu thế. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Đảng Cộng hòa hiện chia làm 2 phe. Một bên ủng hộ ông Mitch McConnell - lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện, người hồi tháng 5 cùng các đồng nghiệp tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Phe còn lại là những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump và theo đuổi thông điệp "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) của nhà cựu lãnh đạo Mỹ. 

Ông Trump hiện vẫn có tiếng nói rất lớn trong đảng của mình. Gần đây, ông chỉ trích gay gắt các khoản viện trợ cho Ukraine. "Đảng Dân chủ đang gửi thêm 40 tỷ USD cho Ukraine khi mà các phụ huynh Mỹ đang phải vật lộn nuôi con", ông nói. 

Quan điểm của Trump có thể được củng cố nếu ông tuyên bố tái tranh cử trong vài tuần tới. 

"Thực tế là nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, sự ủng hộ của chúng ta với Ukraine sẽ dừng lại", nghị sĩ đảng Dân chủ Ruben Gallego viết trên Twitter. 

Ông Gallego dự đoán sẽ không thể ngăn cản những người ủng hộ Trump như các nghị sỹ Taylor Greene và Matt Gaetz chặn đứng chính sách Ukraine hiện tại của Nhà Trắng.  

"Ruben nói đúng đó", nghị sĩ Matt Gaetz nói trong một phản hồi. 

Eric Edelman, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush cho rằng các tiếng nói muốn ngừng ủng hộ Ukraine hiện vẫn chỉ là thiểu số trong đảng Cộng hòa. 

Nhưng ông này thừa nhận con số này có thể tăng lên sau cuộc bầu cử diễn ra trong 4 tháng tới. 

Nhưng nếu phe này nắm cán cân quyền lực trong đảng Cộng hòa ở Hạ viện, nơi đề xuất các gói hỗ trợ tài chính và quân sự, việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Cũng không nhiều người kỳ vọng Kevin McCarthy - lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện sẽ chống lại phe ủng hộ ông Trump dù ông này từng ca ngợi Tổng thống Zelensky là "Winston Churchill thời hiện đại".

Cùng với đó, áp lực gia tăng ở Thượng viện khi các tiếng nói của nhóm MAGA ngày càng trở nên gay gắt hơn. 

Yếu tố thứ hai, mức độ sẵn sàng duy trì hỗ trợ Ukraine của các đồng minh của Mỹ. 

"Các đồng minh của chúng ta đang làm được bao nhiêu. Đây là câu hỏi hoàn toàn theo nghĩa đen", ông Coons nói. 

Coons lưu ý với hầu hết người Mỹ, Ukraine "cách xa nửa vòng Trái Đất". Các quốc gia châu Âu gần với mối đe dọa quân sự của Nga và dễ bị tổn thương hơn nếu căng thẳng leo thang, thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga và dòng người tị nạn. 

Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người Mỹ dao động nhất là tiến triển chiến trường. 

Nếu chính quyền Biden có thể cho thấy họ đang giúp Ukraine giành chiến thắng thay vì sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài, việc giành được sự ủng hộ sẽ dễ dàng hơn. 

Nhưng với các diễn biến hiện tại, xung đột Ukraine nhiều khả năng sẽ không sớm kết thúc. 

Ukraine gần đây sử dụng hiệu quả hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ để tấn công các sở chỉ huy và kho đạn của Nga. Nhưng quân đội nước này vẫn đang bị Nga áp đảo ở nhiều khu vực. 

Mục tiêu của ông Biden trong xung đột Ukraine cũng không rõ ràng. Chính quyền của ông gần đây ngừng nói về việc giúp Ukraine giành chiến thắng. Thay vào đó, Nhà Trắng nhiều lần đề cập tới việc ngăn nguy cơ Kiev thất bại. 

Trong các tuyên bố đưa ra, Washington cũng cho thấy rõ họ muốn tránh đối đầu trực tiếp với Nga. 

Hồi giữa tháng 7, Cố vấn Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ sẽ không chuyển tên lửa ATACMS tầm 300 km của hệ thống HIMARS cho Ukraine vì lo ngại xung đột leo thang.

"Có những khí tài mà Tổng thống Mỹ tuyên bố không sẵn lòng cung cấp cho Ukraine, trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300 km. Ông ấy tin rằng mục tiêu then chốt của Mỹ là hỗ trợ Ukraine tự vệ, đồng thời tránh để đất nước đối mặt nguy cơ bị cuốn vào Thế chiến III", ông Sullivan phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado hôm 22/7.

Trước yêu cầu từ Kiev, Lầu Năm Góc cho biết đang nghiên cứu khả năng gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine trong tương lai nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định "đây không phải là điều sẽ xảy ra sớm". 

Với những người tin Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này, họ cho rằng ông Biden nên tìm kiếm một thỏa thuận ngoại giao. Nhưng với những người ủng hộ Ukraine, họ muốn nhà lãnh đạo Mỹ cung cấp thêm viện trợ và chấp nhận nhiều nguy cơ hơn.

"Nếu họ chọn thế cờ mà không bên nào có thể giành thắng lợi, họ sẽ thua trên chiến trường và trong cả cuộc chiến giành sự ủng hộ ở trong nước", ông Edelman nhận định.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới