Với không ít người, mối được xem là loài động vật gây hại, thì với bà con đồng bào Cơ Tu sống trên đỉnh Trường Sơn (Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và Tây Nam tỉnh Thừa Thiên Huế), mối lại trở thành món ăn đặc sản, cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
Mối cánh là nguyên liệu để chế biến món ăn đặc sản của người Cơ Tu.
Vào mùa mưa (khoảng tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm), người Cơ Tu sẽ bắt đầu thu hoạch mối vì đây chính là giai đoạn chúng sinh sôi, thịt béo và ngọt. Cách bắt mối không quá phức tạp, dân làng chỉ cần thắp một cây đèn dầu hoặc đèn cầu, đem cắm vào giữa cái thau nước lớn rồi đặt ở giữa sân.
Mối bị thu hút bởi ánh sáng sẽ tự động bay đến. Lúc này, cánh mối gặp nước, trở nặng nên không bay được, nằm lại trong thau.
Cách bắt mối đơn giản của người Cơ Tu.
Mối cánh sẽ được người Cơ Tu đem đi nấu cháo. Món ăn được gọi là cláp p’chơ, thường được người con rể Cơ Tu nấu cho bố mẹ vợ để tỏ lòng hiếu thảo. Vì độ thơm ngon và bổ dưỡng mà không ít người còn ví von mối cánh là “tôm bay” của núi rừng.
Cháo "tôm bay" thơm ngon, bổ dưỡng - món ăn thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con rể dành cho mẹ vợ trong nét văn hóa của người Cơ Tu.
Cũng như nhiều món cháo khác, cháo mối được chế biến khá đơn giản. Mối sau khi bắt về được đem đi rửa sạch để loại bỏ phần cánh. Đây là công đoạn được đánh giá là khó nhất, vì phải thật nhẹ tay để tránh mối không bị dập nát.
Người Cơ Tu sẽ rang mối cho thật thơm rồi mới cho vào nồi cháo trắng đã ninh sẵn, khuấy đều và nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cháo có vị thơm, ngọt và béo của mối, xen kẽ vị bùi của gạo. Món ăn không cầu kỳ về hương vị, chỉ mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thanh đạm nhưng không kém phần lôi cuốn, ăn mãi không chán.
Ngoài món cháo mối, một vài món ăn ngon khác từ mối cũng rất được người Cơ Tu ưa chuộng, ví dụ như mối dầm mắm, mối rang ăn kèm với cơm trắng. Tất cả đều góp phần làm đa dạng và đặc sắc thêm nền ẩm thực của đồng bào Cơ Tu nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ngoài cháo, mối còn được đem đi làm bánh.
Hoặc rang chung với sả và ăn kèm với cơm trắng.