Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma: 'Tôi nhớ con cả ngày, cả đêm không ngủ được'

(VTC News) -

Đã 34 năm trôi qua, mẹ của các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 vẫn luôn đau đáu nhớ về con.

Chiều 23/7, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tỉnh Khánh Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ cầu siêu để tưởng nhớ và tri ân 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma năm 1988.

Buổi lễ cầu siêu diễn ra trang nghiêm nhưng xúc động. Bà Lê Thị Lan, 81 tuổi (Thừa Thiên Huế) dù sức khỏe rất yếu nhưng vẫn cố gắng có mặt tại đây để tham dự lễ cầu siêu cho người con trai yêu quý của mình - liệt sĩ Trần Hữu Lộc cũng như các đồng đội đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đẫm nước mắt mỗi khi nhắc về con, bà Lan nói, đây là lần thứ 2 được đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Được chứng kiến nơi thờ tự khang trang cùng với di ảnh của con, bà như được an ủi phần nào.

Theo bà Lan, anh Lộc là người con trai rất có hiếu. Đến năm 20 tuổi, anh Lộc xin bà được tham gia vào bộ đội hải quân.

"Hắn nói với tôi là bạn bè con đi hải quân nhiều lắm mẹ cho con đi nhé, không có chuyện gì đâu mẹ cứ yên tâm nhưng không ngờ hắn đi năm 1987 thì đến 1988 hy sinh. Tôi đau khổ quá, đến giờ tôi cứ nghĩ là con tôi đi đâu xa chứ không phải đã hy sinh. Tôi nhớ hắn cả ngày, cả đêm không ngủ được", bà Lan nói trong nước mắt.

Bà Lan đẫm nước mắt khi nói về người con trai của mình là liệt sĩ Trần Hữu Lộc.

Ông Nguyễn Văn Hoa (55 tuổi, quê Quảng Bình) em liệt sĩ Nguyễn Đức Hóa xúc động nói: "Anh Hóa mới về ăn Tết cùng gia đình thì mấy tháng sau hy sinh. Ngày nghe tin anh mất cả nhà ai cũng đau đớn, mẹ tôi khóc cạn hết nước mắt. Tôi khi đó mới 18 tuổi, nghe tin anh hy sinh, tôi chỉ khao khát được đi chiến đấu như anh trai mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc nhưng khi ấy địa phương không cho". 

Cũng trong tâm trạng bồi hồi, bà Trần Thị Ngọ (78 tuổi, Huyện Cát Hải, Hải Phòng) mẹ của liệt sĩ Bùi Bá Kiên kể về người con trai yêu quý. Anh Kiên là con trai đầu trong gia đình có 4 anh chị em. Năm 1986 anh Kiên nhập ngũ vào bộ đội hải quân. Khi ấy anh 24 tuổi và chưa lập gia đình, sau ngày nhận tin con hy sinh bà Ngọ không tin đó là sự thật. "Tôi thương xót con quá, nó đi đến nay đã 34 năm rồi, thân xác vẫn còn nằm ngoài biển khơi", bà Ngọ đau xót nói.

Bà Ngọ vẫn luôn đau đáu nhớ về người con trai đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trước đó, trong buổi gặp mặt, tặng quà cho các thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm là dịp để tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, những người con của đất mẹ Việt Nam, đã hy sinh thân mình hoặc cống hiến một phần thân thể, máu xương để bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho chúng ta hôm nay.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thắp hưởng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.

Tưởng nhớ và tri ân 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma năm 1988, ông Khang xúc động nói: "Các anh đã hy sinh anh dũng để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Sự dũng cảm, kiên cường của các anh mãi mãi là bản hùng ca, là ngọn lửa yêu nước được truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt Nam, trở thành ngọn hải đăng dẫn lối, soi sáng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đoàn viên, người lao động, nhất là thế hệ trẻ".

Tọa lạc trên khu đất rộng hơn 25.000m2, khởi công năm 2015 và hoàn thành 2017, công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây nên từ tâm huyết, công sức và nguồn đóng góp 130 tỷ đồng của đoàn viên công đoàn và người lao động trên cả nước.

Kim Sơn

Tin mới