Câu hỏi:
Cho tôi hỏi, hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (đẻ thuê) sẽ bị xử lý thế nào?
Trả lời:
“Mang thai hộ” và “đẻ thuê” là hai khái niệm được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở nước ta.
"Đẻ thuê" hiểu một cách đơn giản là việc bên thuê đẻ và bên đẻ thuê thỏa thuận với nhau. Bên thuê đẻ sẽ trả cho bên đẻ thuê một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất nào đó, còn bên đẻ thuê sẽ sinh con và trao cho bên thuê đẻ.
Còn "mang thai hộ", theo Luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì có 2 hình thức:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại, giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Mang thai hộ được thực hiện bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Tại Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về "Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" như sau:
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Đối với 2 người trở lên;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.