eTheo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, gói viện trợ trị giá 150 triệu USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, bao gồm “chi phí đào tạo, trang bị khí tài để giúp các lực lượng Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm biên giới và cải thiện khả năng tương tác với NATO”.
Mỹ viện trợ để giúp Ukraine nâng cao năng lực tự vệ tốt hơn. Theo đó, Ukraine sẽ nâng cấp hệ thống máy bay không người lái, thiết bị liên lạc an toàn và thiết bị sơ tán y tế quân sự, đào tạo, nâng cao an toàn hoạt động và năng lực của các căn cứ không quân Ukraine.
Lầu Năm Góc viện trợ 150 triệu USD cho Ukraine. (Ảnh: EPA-EFE)
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ "có thể xác nhận Ukraine đã đạt được đủ tiến bộ trong cải cách quốc phòng trong năm nay". “Lầu Năm Góc tiếp tục khuyến khích Ukraine ban hành các cải cách phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của NATO”, John Kirby nói.
Lầu Năm Góc cũng đã phân bổ 125 triệu USD cho Ukraine hồi tháng 3. Kể từ năm 2014, Mỹ đã sử dụng Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine để cam kết hỗ trợ an ninh hơn 2,5 tỷ USD cho Ukraine.
Chương trình viện trợ quân sự của Mỹ đối với Ukraine đã thu hút sự chú ý của quốc tế sau khi chính quyền Trump đóng băng hỗ trợ vào năm 2019. Động thái này dẫn đến việc cựu Tổng thống Trump bị luận tội vào tháng 12/2019, khi các thành viên đảng Dân chủ cáo buộc ông đưa ra quyết định mang tính cá nhân, gây sức ép để chính quyền Ukraine điều tra các phi vụ làm ăn của con trai Biden ở Ukraine.
Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 7/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Nga, Ukraine hy vọng các quốc gia phương Tây sẽ thực hiện một nỗ lực mới để nhanh chóng kết nạp nước này vào liên minh quân sự NATO.
Ukraine được xem là một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6.