Hệ quả khi chọn sai ống cấp nước trong gia đình
Anh Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, cách đây 8 tháng, gia đình anh vừa hoàn thiện ngôi nhà 3 tầng khang trang với tổng chi phí nội ngoại thất hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng vừa mới ổn định sinh hoạt chưa được bao lâu, anh lại phải thuê thợ đến để đục tường kiểm tra đường ống nước do có hiện tượng rò rỉ.
Nguyên dân do anh quá qua loa trong việc lựa chọn ống cấp thoát nước bên trong nhà, chọn phải loại ống kém chất lượng, các mối nối không khăng khít, dẫn đến bị rò rỉ nước sau một thời gian sử dụng rất ngắn.
Một trường hợp khác là gia đình ông Hai (đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TP.HCM). Vẫn sử dụng nước bình thường như những tháng trước nhưng đến khi nhận hóa đơn tiền nước tháng gần đây nhất, ông mới tá hỏa khi số nước tiêu thụ lên đến 632m3, tương đương số tiền phải trả khoảng hơn 7 triệu đồng, gấp 20 lần so với những tháng trước.
Ông gọi thợ đến kiểm tra mới biết do đường ống nước bị rò rỉ, nứt vỡ đầu ống gây thất thoát nước không kiểm soát.
Đây cũng là tình trạng mà rất nhiều gia đình đang gặp phải. Vấn đề không nằm ở chiếc đồng hồ nước mà nằm ở việc lựa chọn ống dẫn nước của mỗi gia đình.
Theo các công ty cấp nước, tình trạng thất thoát nước sạch sau đồng hồ gia tăng do nhiều nguyên nhân nhưng đường ống bị rò rỉ dẫn đến thất thoát nước là phổ biến nhất.
Có thể do quá trình lắp đặt, khách hàng không mua đúng vật tư chất lượng; quá trình đấu nối đường ống, dán keo không đều dẫn đến các mối nối không kín. Bên cạnh đó, do các phao của bồn chứa âm dưới đất không kín, bị hỏng, kẹt... nhưng không được phát hiện kịp thời cũng là nguyên nhân gây thất thoát nước.
Cũng theo các chuyên gia kỹ thuật về ngành nước, cách đơn giản nhất để khách hàng biết được hệ thống cấp nước trong nhà có bị rò rỉ hay không là chỉ cần khóa tất cả van nước trong nhà (tạm thời không sử dụng nước) rồi quan sát đồng hồ nước.
Nếu không sử dụng nước nhưng đồng hồ vẫn quay, tùy tốc độ quay chậm hay nhanh là biết được mức độ rò rỉ của hệ thống cấp nước trong nhà như thế nào. Khi đó cần gọi thợ đến sửa chữa càng sớm càng tốt.
Như vậy, nếu xét về bài toán kinh tế thì chi phí đục tường, sửa chữa, lắp lại đường ống nước mới hay ngay cả tiền nước tăng đột biến hàng tháng cộng lại còn vượt quá số tiền đầu tư mua và lắp đường ống nước chất lượng ngay từ ban đầu.
Kinh nghiệm chọn ống cấp nước chuẩn cho gia đình
Nếu không muốn mất thêm những chi phí phát sinh không cần thiết, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt thì cần lưu ý lựa chọn vật liệu ống cấp nước đảm bảo các tiêu chí: độ bền, độ an toàn, giá thành và thương hiệu uy tín.
Tại thị trường Việt Nam, ống nhựa đang được sử dụng phổ biến nhất nhờ trọng lượng nhẹ, dễ dàng vận chuyển, mẫu mã đa dạng, chi phí thấp. Tuy nhiên, việc thi công ống nhựa chủ yếu bằng phương pháp hàn nhiệt và dán keo, chất lượng các mối nối phụ thuộc nhiều vào tay nghề và sự cẩn thận khi thi công của thợ nước. Các mối nối không đảm bảo chất lượng sẽ gây cản trở dòng chảy và dễ bị rò rỉ sau một thời gian sử dụng.
Mặt khác, trong quá trình sản xuất ống nhựa, các nhà sản xuất thường được thêm vào các chất ổn định, phụ gia và một tỷ lệ nhất định phế liệu, bột đá. Những thành phần này rất khó kiểm soát về chất lượng và độ an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Với chi phí cao hơn nhưng có thể khắc phục được hầu hết các nhược điểm của ống nhựa, đảm bảo các tiêu chí về độ bền và an toàn cho sức khỏe, inox đang được nghiên cứu để ứng dụng trong ngành ống cấp nước tại Việt Nam. Hiện, sản phẩm ống cấp nước bằng inox đang được các nước Trung Quốc, Italia và một số nước châu Âu ưa chuộng và ứng dụng phổ biến trong các công trình dân dụng.