Sáng 25/6, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền.
Phát biểu tại buổi họp, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tình hình buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp.
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại buổi họp cung cấp thông tin.
Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thông, miền núi.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến là do các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, người dùng còn chủ quan, chưa ý thức được tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sức khỏe.
Đây là thực tế đáng báo động, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương và lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới về chuyên môn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền.
Video: Một phụ nữ thiệt mạng nghi do uống thực phẩm chức năng giảm cân
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường quản lý, ứng dụng KHCN vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của nguyên lệu, sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người; chủ động chia sẻ thông tin về cấp phép, quản lý đối với các loại dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền; tăng cường thanh tra công vụ đối với hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Các bộ, ban ngành khác như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN... cũng có trách nhiệm quản lý, giám sát, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, nhà xưởng, cơ sở sản xuất; quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình, báo chí...
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tiến đã hành rà soát, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về sản xuất hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, chưa có chứng nhận công bố nhưng vẫn đem quảng cáo và rao bán tràn lan và tiến hành xử lý vi phạm ngay lập tức.