Đây sẽ là địa chỉ đầu tư hấp dẫn bởi có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ kinh tế - xã hội của huyện Tiền Hải.
Điểm đầu tư hấp dẫn
Tháng 7/2020, UBND tỉnh duyệt quy hoạch KCN Hải Long; tháng 11/2022, Thủ tướng ra quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN Hải Long.
Khu công nghiệp Hải Long được Thủ tướng ký quyết định thành lập tại Quyết định số 1370/QĐ-TTg ngày 9/11/2022, do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh làm chủ đầu tư.
Dự án thuộc địa phận các xã Đông Long, Đông Trà và Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, với diện tích 296,97ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày Nhà nước bàn giao đất.
Ngay từ khi được tỉnh phê duyệt quy hoạch, nhiều nhà đầu tư đã xác định đây là điểm đến đầu tư giàu tiềm năng vì không chỉ có quỹ đất công nghiệp lớn mà còn bởi KCN nằm ở vị trí đắc địa, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi.
KCN Hải Long được quy hoạch nằm ven sông Trà Lý, có đường bộ ven biển, đường ĐT.464, ĐT.221D tạo ra mạng lưới giao thông kết nối cả đường bộ và đường thủy cho KCN, giúp hoạt động vận tải dễ dàng, nhanh chóng phục vụ hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN.
Ngoài ra, KCN Hải Long chỉ cách sân bay và cảng nước sâu ở Hải Phòng khoảng 40km cũng là điều kiện lý tưởng cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh cho biết: Xác định đây là dự án lớn, trọng điểm nên chúng tôi quyết tâm đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tiêu chí hàng đầu là tiện ích, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngay từ khi bắt tay vào lập quy hoạch chi tiết, Công ty đã thiết kế hệ thống giao thông kết nối của KCN, hệ thống cấp thoát nước, đường điện, hệ thống cây xanh và nhà máy xử lý nước thải tập trung một cách đồng bộ, tối ưu. Tổng giá trị đầu tư hạ tầng KCN Hải Long trên 2.200 tỷ đồng.
Cũng giống như KCN Liên Hà Thái, KCN Hải Long nằm trong Khu kinh tế Thái Bình nên các nhà đầu tư thứ cấp khi đầu tư dự án vào đây được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo quy định của trung ương cùng những cơ chế khuyến khích đầu tư của tỉnh như ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ san lấp mặt bằng; hỗ trợ xây dựng và kinh doanh nhà xưởng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại và các thủ tục hành chính về đầu tư.
Niềm tin cho nhà đầu tư
Các doanh nghiệp đầu tư dự án vào KCN Hải Long thực sự yên tâm về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. Trên địa bàn huyện Tiền Hải có hơn 60.000 lao động có tay nghề vững, ngoài ra hàng năm có thêm hơn 1.000 lao động mới bổ sung.
Khi hoàn thành, dự án Khu công nghiệp Hải Long sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Theo khảo sát, thống kê của UBND huyện Tiền Hải, hiện nay có khoảng 30.000 lao động là người dân địa phương đang làm việc ở các tỉnh, thành phố trong cả nước có nhu cầu trở lại quê hương nếu các doanh nghiệp mới trong huyện tuyển dụng.
Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh là nhà đầu tư có năng lực tài chính, giàu kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành KCN. Hiện vốn điều lệ của Công ty đạt 350 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 1.200 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư và kinh doanh hiệu quả hạ tầng KCN Bảo Minh (Nam Định) với diện tích 215ha, thu hút được 12 dự án FDI và 2 dự án trong nước lớn đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp.
Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Văn Kiểm cho biết thêm: "Chúng tôi luôn cam kết xây dựng những KCN với chất lượng, thẩm mỹ cao, đạt tiến độ và an toàn, đi đầu trong việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý doanh nghiệp và thi công công trình, xem chất lượng là một nhân tố phát triển để tăng tính cạnh tranh và là tiêu chí của văn hóa doanh nghiệp".
Kỳ vọng bứt phá
Theo quy hoạch của nhà đầu tư hạ tầng, KCN Hải Long tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng, công nghiệp may mặc, dệt và hoàn tất sản phẩm vải cao cấp, công nghiệp gốm, sứ, các ngành công nghiệp phụ trợ và kho cảng, logistics.
Đây là các ngành sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, công nghệ sản xuất hiện đại, ít tác động đến môi trường, tận dụng được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn năng lượng tại chỗ của huyện Tiền Hải.
Các xã phía Đông của huyện Tiền Hải như Đông Long, Đông Xuyên, Đông Trà, Đông Quý hiện tại có rất ít doanh nghiệp đầu tư hoạt động. Vì vậy, ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các địa phương chậm phát triển, lao động của địa phương phải đi làm ăn xa nhiều.
Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Các xã khu vực phía Đông nhiều năm qua trở thành “vùng trũng” của huyện Tiền Hải cả về số doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu nhập của người dân thấp và trũng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Vì vậy, KCN Hải Long thành lập, đầu tư được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân các địa phương và nhất là chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Để biến những kỳ vọng đó thành hiện thực, hiện nay cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đồng thời, triển khai các bước phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư hạ tầng thực hiện dự án, sớm thu hút các dự án thứ cấp vào hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhà đầu tư hạ tầng sớm đầu tư hệ thống giao thông kết nối vào KCN và nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Hải Long.
Tuy vậy, dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất là chưa được bố trí chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất công nghiệp. Giai đoạn 1 chỉ thực hiện được 30,6/297 ha tổng diện tích dự án.
UBND tỉnh Thái Bình nhận định, KCN Hải Long là một dự án trọng điểm nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, có ý nghĩa quan trọng trong thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên đến nay, tiến độ triển khai dự án KCN Hải Long chậm, chưa đạt được kỳ vọng của UBND tỉnh.
Cùng với đó, trục giao thông kết nối chính và duy nhất vào khu công nghiệp (tuyến đường bộ ven biển) chưa hoàn thành cũng làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào dự án.
Do vậy, cần tập trung công tác giải phóng mặt bằng dự án và giao đất cho nhà đầu tư khu công nghiệp; đồng thời, chỉ đạo nhà đầu tư tuyến đường bộ ven biển khẩn trương thi công hoàn thành tạo sự kết nối giao thông của khu công nghiệp ra bên ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu phải thực hiện tốt công tác GPMB, huy động nguồn lực đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN ngay.
“Huyện Tiền Hải cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân thực hiện công tác GPMB, tập trung triển khai đồng bộ giải pháp, các bước quy trình bảo đảm GPMB theo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư hạ tầng.
Các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp với huyện Tiền Hải và nhà đầu tư hạ tầng sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giúp nhà đầu triển khai dự án một cách thuận lợi, hiệu quả”, ông Thận nói.