Nhiều nước phương Tây cũng cam kết sẽ chuyển giao vũ khí cho Kiev. Vấn đề đặt ra là viện trợ này có đến được tay Ukraine và mất bao lâu để hoàn tất quá trình chuyển giao?
Riêng EU cam kết sẽ tài trợ mua và chuyển cho Ukraine số vũ khí trị giá 450 triệu euro (503 triệu USD), đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử khối này gửi vũ khí đến một quốc gia bị tấn công. Đây là lô vũ khí sát thương, bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng, đạn dược. Ngoài ra, EU cũng dành cho Ukraine khoản viện trợ trị giá 50 triệu euro (55,90 triệu USD) được quy đổi qua các mặt hàng phi sát thương như nhiên liệu, mũ chống đạn, đồ bảo hộ, đồ cứu thương.
Tên lửa vác vai Stinger, vũ khí mà Mỹ và nhiều nước châu Âu cam kết chuyển giao cho Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Xét riêng với từng nước, Đức là trường hợp nổi bật nhất. Từng bị chỉ trích dữ dội vì từ chối xuất khẩu vũ khí cho Ukraine suốt một thời gian dài, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã đảo ngược quan điểm, tuyên bố sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger và 10.000 tấn nhiên liệu cho Ukraine.
Thụy Điển, một thành viên EU không thuộc NATO và luôn giữ quan điểm trung lập trong các cuộc xung đột, cũng lên tiếng xác nhận sẽ gửi 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ bảo hiểm, 5.000 tấm chắn đạn và 135.000 khẩu phần ăn - cũng như tài trợ trực tiếp 50 triệu USD cho quân đội Ukraine. Đan Mạch nói sẽ chuyển giao 2.700 vũ khí chống tăng cho Ukraine.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 26/2 cũng tuyên bố cung cấp gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 350 triệu USD cho Kiev, trong đó có tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không vác vai Stinger, vũ khí nhỏ và đạn dược. Lô viện trợ này đưa tổng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong một năm qua lên mức 1 tỉ USD.
Những thách thức về hậu cần và khả năng giao hàng đúng hạn
Những tín hiệu từ Mỹ, châu Âu về viện trợ vũ khí cho Ukraine là rõ nét. Nhưng còn đó những thách thức, trở ngại về hậu cần, mà cụ thể là tuyến đường đi và thời hạn giao hàng.
Thông thường, vũ khí viện trợ của phương Tây chủ yếu được vận chuyển bằng đường không và đường bộ, tùy vào chủng loại vũ khí. Nhưng không phận Ukraine giờ nằm trong quyền kiểm soát của không quân Nga, nên việc vận chuyển bằng máy bay có thể sẽ bị đánh chặn bởi đòn tên lửa và không kích từ Nga.
Thực tế này cho thấy chỉ còn lựa chọn đường bộ là phù hợp, với vai trò đặc biệt quan trọng của Ba Lan, nước có đường biên giới dài 535 km với Ukraine. Trong lịch sử, quân đội Mỹ thường sử dụng việc điều quân và thiết bị qua ngả Ba Lan. Tầm quan trọng của Ba Lan càng nổi bật sau khi Hungary tuyên bố không cho vũ khí sát thương quá cảnh qua lãnh thổ nước này.
“Tất cả vũ khí thiết ở thời điểm hiện tại về cơ bản đang và sẽ tập trung ở biên giới Ba Lan. Ngay cả khi Slovakia muốn trợ giúp thì đó cũng không phải là tuyến vận chuyển dễ dàng, bởi yếu tố địa lý có nhiều dạy núi cao chạy từ Slovakia xuôi sang Romania. Vì thế, chỉ còn hai tuyến đường là khu vưc sát biên giới Belaurs và tuyến chếch xuống phía nam”, Ed Arnold, chuyên gia nghiên cứu về An ninh châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI) có trụ sở ở London nhận định.
Theo Arnold, Nga có lợi thế trong kiểm soát hai tuyến đường này. Quân đội Nga có thể di chuyển từ khu vực tây nam Belarus và chặn tất cả những vũ khí, trang bị trên đường vận chuyển vào Ukraine.
Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng. Ukraine đang rất cần bổ sung, vũ khí trang bị, tăng cường lực lượng, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Kiev và Kharkiv, sau khi phải hứng chịu những đợt tấn công mạnh mẽ từ phía Nga. Quân đội Ukraine đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt về vũ khí đạn dược.
Vậy còn cách thức nào để đưa vũ khí phương Tây vào Ukraine? Ông Arnold cho rằng máy bay của Ukraine hoặc nước ngoài có thể chuyển vũ khí từ Ba Lan qua khu vực biên giới. Nhưng làm như vậy sẽ không thể bảo đảm vận chuyển được số lượng lớn.