Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khi thương hiệu Trần Anh Hùng là một áp lực

(VTC News) – Rừng Na Uy có rất nhiều cái được nhưng trên thực tế, người xem vẫn mong chờ ở Trần Anh Hùng những đột phá, những thể hiện nhiều hơn thế...

(VTC News) – Với một tác phẩm văn học nổi tiếng, một đạo diễn nổi tiếng, Rừng Na Uy có lẽ là tác phẩm điện ảnh thuộc hàng được mong chờ nhất năm 2010 ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại buổi chiếu ra mắt báo giới và người trong nghề tối qua 22/12, bộ phim không khiến người xem thực sự hài lòng.



Có lẽ, sự chờ đợi, những thông tin rò rỉ ban đầu về bộ phim Rừng Na Uy, những tác phẩm đã làm nên thương hiệu Trần Anh Hùng trước đó như Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng… đã làm người ta soi kỹ hơn, đặt yêu cầu cao hơn với vị đạo diễn trẻ gốc Việt này. Và đó là một áp lực. Phía đơn vị nhập phim, công ty Galaxy cho biết, họ không gặp khó khăn khi nhập bộ phim này và mời Trần Anh Hùng về Việt Nam. Thêm đó, Galaxy kỳ vọng, Rừng Na Uy sẽ tạo nên hiện tượng tại rạp mùa phim Noel năm nay.

Hình ảnh trong phim Rừng Na Uy 

Ngày ra mắt Rừng Na Uy ở Việt Nam thực sự rất đông khách. Đây là một trong những điều hiếm hoi. Và tất nhiên, người ta cũng có thể thấy được trong số những vị khách mời này không thiếu những nhân vật nổi tiếng trong giới điện ảnh, nghiên cứu và các ngôi sao. Xin kể ra một số gương mặt như dịch giả Dương Tường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sỹ Thành Chương, đạo diễn Vương Đức, Bùi Thạc Chuyên, NSND Như Quỳnh, Lê Khanh, HH Thu Thủy…. Và Trần Anh Hùng dẫn theo người đàn bà của đời mình, diễn viên Trần Nữ Yên Khê, người xuất hiện không ít trong các tác phẩm của anh với tư cách diễn viên chính.

Trong buổi ra mắt, Trần Anh Hùng thể hiện là một người kiệm lời nhưng hóm hỉnh. Nhiều người đã mong muốn được nghe đạo diễn này chia sẻ nhiều hơn về tác phẩm. Tuy nhiên, Trần Anh Hùng khước từ việc giao lưu sau công chiếu như kịch bản của chương trình. Có thể hiểu sự im lặng của anh như một sự gợi mở mọi cách nghĩ, cách cảm về bộ phim do anh làm.

Và những ám ảnh tình dục. 

Thực hiện trong gần 2 năm, bộ phim cùng sự nỗ lực đến mức kỳ công của đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất…, Rừng Na Uy ra mắt khán giả trên 36 quốc gia trong đó có Việt Nam. Phim khởi chiếu trên các rạp kể từ 31/12.

Được biết, việc thuyết phục tác giả tiểu thuyết để đồng ý cho phép chuyển thể sang ngôn ngữ điện ảnh cũng mất một thời gian dài vài năm.

 

 

Những cảnh quay khiến người ta tò mò trong bộ phim này là cảnh sex và mật độ của nó. Trần Anh Hùng chia sẻ rằng anh muốn miêu tả những khoảnh khắc mang màu sắc tình dục bằng những hình ảnh cảm xúc chứ không đơn thuần chỉ là những khoái lạc dục tính mang tính dung tục”. Và vì thế, người xem đã thực sự không cảm thấy sốc, thấy những hình ảnh trần trụi khi xem những thước phim này. Chỉ có tiếng thở hổn hển của cặp tình nhân là được “kích” lên khiến những say đắm tăng lên nhiều lần. 

Khác với câu chuyện u hoài trong cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh Watanabe hồi tưởng quá khứ khi nghe bản nhạc Rừng Na Uy của ban nhạc The Beatles khi đang hạ cánh xuống sân bay Hamburg, bộ phim Rừng Na Uy được đạo diễn Trần Anh Hùng kết cấu lại với điểm nhìn thì hiện tại. Thế nhưng, đôi khi việc chuyển cảnh, cắt cảnh diễn ra một cách đột ngột cũng khiến người ta đôi phần hụt hẫng, dẫu biết rằng sự đan xen giữa thực và mơ, giữa hoài niệm ám ảnh và khát vọng là cách Trần Anh Hùng bố cục phim.

 

Giống như tiểu thuyết, bộ phim có tiết tấu hơi chậm, nhưng nó cũng giống như tính cách làm phim của Trần Anh Hùng, anh rất chuộng hình ảnh và ngôn ngữ từ hình ảnh. Anh mải miết kiếm tìm những cảnh đẹp, những góc quay rộng. Đôi lúc người xem như muốn giục giã tiết tấu phim nhanh lên chút nữa. Nhưng không, Trần Anh Hùng bắt người ta đợi và ngắm nhìn những bức tranh do mình vẽ nên. Điều này đã thể hiện rõ từ những bộ phim trước của anh.

Trần Anh Hùng nói: Câu chuyện tình trong tác phẩm văn học “vô cùng nhạy cảm, mang trong mình cả yếu tố đột phá quyến rũ lẫn vẻ đẹp mong manh bí ẩn”. Vì thế cảnh phim được xử lý trên nền cảnh xanh mút tầm mắt của những đồng cỏ trải dài, của những cánh rừng ngút ngàn, của những vùng đất phủ mờ tuyết trắng. Giữa “hoang mạc” tuyết trắng ấy, Watanabe lạc lõng, cô đơn đi tìm cái tôi đã mất.

Trong bộ phim cũng có một số phân cảnh khiến người xem ngột thở, bức bối. Như cảnh nhân vật nam chính Watanabe đứng trước biển sau cái chết của bạn gái. Tiếng biển dữ dội, sự quằn quại trong đau đớn của anh chàng này khiến người ta xúc động. Hình ảnh sóng biển đập dữ dội như muốn cuốn trôi tất cả. Hay cảnh rượt đuổi nhau trên cánh đồng đầy cỏ xanh của hai nhân vật chính Watanabe và Naoko. Hay như việc quay đi quay lại những câu chuyện ám ảnh về Kizuki.

Hai diễn viên chính trong phim cũng đã hoàn thành vai diễn của mình ở mức độ vừa phải. Cảm xúc cần có với những diễn biến tâm lý phức tạp được thể hiện trên khuôn mặt, trong cả tiếng thở hổn hển và cả những bước chân đi.

 

Âm nhạc là một trong nhiều điểm nhấn làm nên thành công của Rừng Na Uy. Người viết nhạc cho bộ phim là Jonny Greenwood (thành viên nhóm Radioheads- từng được giải Grammy nhờ viết nhạc cho bộ phim There will be blood). Sự cầu kỳ của đạo diễn trong việc ghi những thanh âm của tiếng suối chạy tự nhiên, tiếng róc rách của nước, tiếng bước chân nhẹ trong gió là những điểm nhấn cho sự thăng hoa cảm xúc của bộ phim. Tuy nhiên, dường như, âm nhạc của phim đôi lúc sử dụng không ăn nhập với nhịp phim hoặc giả được cắt đột ngột giữa cảnh quay. Hay đây là ý đồ của đạo diễn để chuyển cảm xúc của người xem?

Bộ phim có rất nhiều cái được nhưng trên thực tế, người xem vẫn mong chờ ở Trần Anh Hùng những đột phá, những kịch tính thể hiện nhiều hơn thế. Người xem Rừng Na Uy giống như rượt đuổi theo bộ phim, vừa xem, vừa đoán ý đồ đạo diễn. Khán giả muốn có thêm cảm xúc, cảm xúc đồng cảm với nhân vật trong phim, với những bức bối, băn khoăn. Nhưng họ không tìm thấy khi xem Rừng Na Uy. Không thất vọng về bộ phim này nhưng cũng chẳng hiểu tại sao kiếm tìm cảm xúc lại khó khăn đến thế?

 

Rừng Na Uy là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Haruki Muarakami với hơn 10 triệu bản sách đã được xuất bản, 2,6 triệu ấn bản khác cũng đã đến tay nhiều độc giả trên thế giới. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết này, Rừng Nauy là câu chuyện về quãng đời thời trai trẻ của Watanabe với nhiều biến động tình cảm. Watanabe từng có tình bạn bộ 3 thân thiết với Kizuki- Naoko. Kizuki đột ngột tự tử ở tuổi 17 để lại cú sốc tinh thần cho cả Watanabe và Naoko. Sau khi rời bỏ Kobe với nhiều nỗi u buồn để lên Tokyo, Watanabe đến với Naoko như một lẽ tự nhiên xoa dịu vết thương lòng.

Trong quãng thời gian học đại học, Watanabe - chàng trai đa cảm đã rơi vào mê cung tình cảm giữa hai người con gái đối lập về tính cách: một Naoko trong sáng, nhạy cảm, yếu đuối và một Midori hoạt bát, sống động, luôn đem đến cho anh nhiều bất ngờ khám phá. Ở giữa hai người con gái, Watanabe rơi vào hai trường cảm xúc: vừa bi thương, tuyệt vọng vừa khát khao sống, không thôi hy vọng vào tương lai. Câu chuyện tình được đặt trong bối cảnh những năm 1960 đầy biến động đã miêu tả chân thực chân dung những người trẻ tuổi với nhiều mê đắm, thăng hoa, lạc lối và cả những bi kịch xót xa.


Trần Lê

Nguồn:

Tin mới