Các nhà khoa học đã làm việc với tốc độ nhanh chưa từng có để phát triển vaccine và phương pháp điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm COVID-19. Một số loại vaccine đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp để tiêm chủng cho hàng triệu người trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, việc tiêm vaccine COVID-19 là công việc cần nhiều thời gian. Tới nay, 34% dân số trên thế giới được chủng ngừa đầy đủ. Trong đó, mới chỉ 2,3% dân số ở các nước nghèo được tiêm ít nhất một mũi.
Các loại vaccine hiện được sáng chế dựa trên chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Bởi vậy, sự xuất hiện của các biến thể mới có nguy cơ lây lan nhanh hơn đã đe dọa đến hiệu quả của vaccine.
Các kháng thể trung hòa được tạo ra sau khi một người nhiễm COVID-19 hoặc tiêm chủng. Hiểu được các kháng thể này sẽ bảo vệ các cá nhân trong thời gian bao lâu khỏi sự lây nhiễm SARS-CoV-2 rất quan trọng.
Nhiều nghiên cứu khẳng định sự tồn tại của kháng thể sau khi khỏi COVID-19 nhưng rất ít công trình theo dõi tác động lâu dài.
Một ghi nhận mới cho biết người mắc COVID-19 vẫn còn các phản ứng miễn dịch sau khi khỏi bệnh 12 tháng. Các nhà khoa học đã thu thập mẫu máu của 358 bệnh nhân COVID-19 ở Nhật Bản vào tháng thứ 6 và tháng thứ 12 sau khi bệnh khởi phát.
61% người tham gia khảo sát vẫn còn tồn tại kháng thể trung hòa nhưng xu hướng giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, một thống kê khác dựa vào dữ liệu của 164 bệnh nhân cho hay, 65% người tham gia không còn kháng thể hoặc giảm nhanh sau 6 tháng.
Giới chuyên môn cho rằng lượng kháng thể được tạo ra liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Theo đó, người mắc COVID-19 nặng với tải lượng virus cao có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với người bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Một số yếu tố như béo phì, giới tính và việc hút thuốc có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bên cạnh đó, các nhà khoa học chưa rõ tác động của những yếu tố trên tới kháng thể trung hòa 12 tháng sau khi nhiễm bệnh.
Ngoài ra, những người lớn tuổi bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng có nhiều kháng thể trung hòa hơn nhóm cùng độ tuổi được tiêm chủng.