Sau khi dịch bệnh lần 1 được kiểm soát cùng với gói kích cầu du lịch lên đến 200 tỷ đồng, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước.
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh trong nửa đầu tháng 7, lượng khách đến Quảng Ninh các ngày trong tuần đã tăng từ 30-50% so với các ngày trong tuần tháng 5 và tháng 6, bằng 60-70% so với các ngày cuối tuần. Cao điểm trong ngày 19/7, Quảng Ninh đón lượng du khách đông kỷ lục, với hơn 100.000 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay.
Thế nhưng khi dịch COVID-19 tái bùng phát, dù Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn và mở cửa đón khách nhưng lượng khách sụt giảm nghiêm trọng đã khiến hàng loạt khách sạn, nhà hàng, các chủ tàu du lịch phải đồng loạt xin đóng cửa.
Theo báo cáo nhanh của Sở Du lịch Quảng Ninh, hiện tỉnh này chưa thể tính toán được thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra trong tháng 8 tuy nhiên những nỗ lực của địa phương nhằm kích cầu du lịch nội địa cùng với gói kích cầu lên tới 200 tỉ đồng cách đây 2 tháng đứng trước nguy cơ "tan thành mây khói".
“Chúng tôi đã đóng cửa khách sạn, cho nhân viên nghỉ không lương từ ngày 3/8 đến nay vì không có khách, càng mở càng thua lỗ. Riêng tiền hoàn cho khách đã đặt phòng là 400 triệu đồng còn tổng số thiệt hại vì khách hủy phòng phải lên đến hàng chục tỷ đồng”, ông Bùi Tấn Điều- Tổng giám đốc khách sạn Central Luxury Hạ Long nói.
Ông Điều chia sẻ thêm, theo kế hoạch ban đầu khách sạn chỉ đóng cửa đến hết ngày 16/8 nhưng với tình hình không có khách như hiện nay thì rất khó để xác định thời gian mở cửa hoạt động trở lại.
Trong khi đó, hệ thống những khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn ở Hạ Long như FLC, Tuần Châu, Mường Thanh dù chưa phải đóng cửa nhưng lượng khách cũng sụt giảm nghiêm trọng.
“Chưa bao giờ Hạ Long lại vắng khách vào mùa cao điểm như hiện tại, nếu như chỉ hơn nửa tháng trước đó để tìm được phòng trống vào các ngày cuối tuần ở Hạ Long là điều không tưởng thì nay hầu hết các khách sạn đều không có khách. Những ngày cao điểm thì công suất phòng cũng chỉ khoảng hơn 10%”, một nhân viên kinh doanh khách sạn Mường Thanh Luxury Quảng Ninh chia sẻ.
Các chủ tàu du lịch đã đồng loạt làm đơn xin tạm dừng hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long vì không có khách.
Không chỉ khách sạn gặp phải khó khăn, các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cũng phải đồng loạt xin dừng hoạt động vì không có khách.
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh tại Cảng du lịch Tuần Châu, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát trở lại, trung bình vịnh Hạ Long đón trên 1 vạn khách, ngày cuối tuần từ 2-3 vạn, con số này thậm chí còn cao hơn cả thời điểm chưa có dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần nay, mỗi ngày vịnh Hạ Long với trên 500 tàu chỉ đón nhiều lắm khoảng 200 khách. Hàng trăm con tàu, mỗi ngày chỉ có vài tàu xuất bến. Vì thế, các chủ tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long đã có công văn gửi Chi cục Thuế Hạ Long xin được tạm dừng hoạt động tàu du lịch.
“Công ty mới chỉ được hoạt động trở lại trong thời gian ngắn thì dịch COVID-19 tái bùng phát khiến chúng tôi trở tay không kịp. Trước đó, dù lượng khách có tăng nhưng do thực hiện giảm giá để kích cầu nên doanh thu cũng không nhiều chỉ vừa đủ chi trả cho lương nhân viên và các chi phí bảo trì bến bãi, chứ chưa có lãi. Giờ thì ngày nào nhiều cũng chỉ có một vài khách, còn hầu hết toàn bộ hơn 20 du thuyền đều phải bỏ không, tính sơ sơ một du thuyền tiêu tốn đến gần chục triệu cho các chi phí từ bảo dưỡng đến bến bãi, thuế… ”, ông Đinh Đức Văn - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt - Vietyach Club cho biết.
Ông Văn chia sẻ thêm nếu không được hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn.
“Với tình hình như hiện nay, nếu không tiếp cận được nguồn vay ưu đãi cũng như các chính sách về phí, thuế thì chỉ trong thời gian ngắn nữa công ty sẽ phải đóng cửa hoàn toàn. Tôi hy vọng ngành du lịch nói chung cũng như tỉnh Quảng Ninh có những chính sách kịp thời để các đơn vị du lịch có thể cầm cự được qua giai đoạn khó khăn này”, ông Văn đề nghị.
Hiện, hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có hàng nghìn nhân viên trực tiếp làm việc, trong đó chỉ tính riêng 173 tàu lưu trú đã có gần 2.000 nhân viên. Tuy nhiên, đến hiện tại nhiều chủ tàu và nhân viên chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ do những điều kiện bất cập.