Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 được công bố ngày 27/8

(VTC News) -

Các địa phương sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngày 27/8 theo cơ sở dữ liệu chung, nếu có sai sót Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Thời điểm công bố điểm

Sáng 5/6, tại cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT và 63 Sở GD&ĐT trên cả nước, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức ngày 9-10/8, điểm thi sẽ được công bố trong ngày 27/8. Các địa phương không được công bố trước hay sau thời gian đó vì liên quan đến cơ sở dữ liệu dùng chung.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên có những điều chỉnh nhưng vẫn đặt mục tiêu phải tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan. Điểm mới trong kỳ thi năm nay là Bộ GD&ĐT sẽ đối sánh kết quả học bạ và kết quả kỳ thi. Kết quả phân tích tổng thế thể sẽ có câu trả lời chính xác chất lượng kỳ thi. 

Ông Mai Văn Trinh lưu ý, sau khi Bộ ban hành quy chế thi, các địa phương cần bắt tay nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo thi. Trên cơ sở phải thực hiện các phần việc đúng quy chế, phân rõ chức năng, nhiệm vụ từng người, từng khâu đảm bảo vận hành không chồng chéo.

“Trong làm thi, khâu nào cũng quan trọng nhưng có 3 khâu quan trọng nhất là in sao đề thi, bảo quản bài thi, chấm thi”, ông Trinh nói.

Trong đó, Bộ khuyến nghị, như năm 2019 một số địa phương khi lựa chọn cán bộ tham gia làm thi đã phối hợp lực lượng công an xác định phẩm chất, đạo đức cán bộ. Năm nay nếu các địa phương làm được như vậy sẽ rất tốt. 

Thứ 2, cần lựa chọn đặt các điểm thi thuận lợi, đảm bảo không có học sinh nào vì lý do nào đó mà không được dự thi. Đối với những vùng, địa phương hay xảy ra bão, lũ phải có phương án dự phòng, đặt điểm thi cách nhau gần.

Tuyệt đối đảm bảo an toàn, an ninh, minh bạch, nghiêm túc cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh minh hoạ)

Trong quá trình chuẩn bị, Cục trưởng đề nghị các địa phương phải rà soát từng khâu. Trong đó, vai trò của Sở GD&ĐT thể hiện rõ trong việc đảm bảo đội ngũ coi thi, chấm  thi, cơ sở vật chất; in sao đề thi.

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh có phương án tốt nhất phục vụ và chấm thi trắc nghiệm. Phiếu trắc nghiệm phải in giống phiếu mẫu, đúng hướng dẫn. Địa phương nào gây ra lỗi về phiếu, trách nhiệm trực tiếp giao cho Sở GD&ĐT.

Đồng thời, các địa phương lưu ý về địa điểm lưu trữ bài thi, triển khai chấm thi. Hai khâu này dự báo có nhiều rủi ro có thể xảy ra. Nếu thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế đảm bảo sẽ không có gian lận xảy ra nhưng nếu có ai đó ý định từ đầu không lường hết được. 

Vì thế, các địa phương cần chuẩn bị kỹ phương án đảm bảo an ninh, an toàn. Rà soát lại toàn bộ thiết bị camera nếu có hỏng hóc phải được sửa chữa sớm. Chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính kỹ càng, trong đó các máy tính và làm phách vòng 1, vòng 2 sau đó sẽ được niêm phong hết. 

Một điểm mới nữa, trong thời gian tới Bộ sẽ tập huấn thi cho cán bộ các sở. Sau đó, sẽ thực có bài kiểm tra các cán bộ này tránh việc cán bộ đi tập huấn nhưng không nắm thông tin dẫn đến làm sai.

Mức độ an toàn được đặt lên cao nhất

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&Đ Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ thi không chỉ đơn thuần để công nhận tốt nghiệp THPT, mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch.

Kỳ thi năm nay giao cho địa phương song trách nhiệm của Bộ GD&ĐT vẫn rất lớn. Đó là chỉ đạo chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải có lãnh đạo UBND tỉnh là trưởng ban chỉ, phó trưởng ban và các uỷ viên là đại diện của các Sở, ban ngành liên quan. Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan là nhiệm vụ rất quan trọng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp sáng 5/6.

"Tôi đề nghị các cấp uỷ chính quyền địa phương có chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro.

Năm nay chúng ta làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ là tiền đề để những năm tiếp theo thực hiện ổn định, an toàn kỳ thi, chỉ bổ sung công nghệ để làm kỳ thi nhẹ nhàng hơn", Bộ trưởng nói.

Kỳ thi năm 2020 dù các trường đại học không tổ chức đưa cán bộ, giảng viên đi coi thi, chấm thi như mọi năm, nhưng sẽ tăng cường tham gia vào thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Chất lượng thanh tra quan trọng. Do đó, đội ngũ tham gia không chỉ cần đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có đạo đức chính trị tốt, trách nhiệm. Đội ngũ này sẽ được tuyển chọn kỹ lưỡng và tập huấn bài bản.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự tham gia của 3 cấp thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GD&ĐT. Lực lượng này, sẽ “phủ kín” hoạt động thanh - kiểm tra tại các điểm thi và thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp, bảo đảm hiệu quả. Kỳ thi có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ. 

Hà Cường

Tin mới