Video: Hình ảnh môn võ Judo tại các đấu trường thể thao
Cái tên Judo có nghĩa là “cách nhẹ nhàng” và môn thể thao này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như công lý, sự lịch sự, an toàn và khiêm tốn. Ông Kanō coi võ thuật là cách để gắn kết mọi người lại với nhau, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc ném đối thủ xuống sàn đấu.
Kanō sinh năm 1860 tại Mikage (nay là một phần của tỉnh Kobe, Nhật Bản). Ông chuyển đến Tokyo cùng cha vào năm 11 tuổi. Để trở nên mạnh mẽ hơn, ông quyết tâm theo học môn võ Jujutsu. Trong thời gian là sinh viên tại Đại học Tokyo, ông tìm được người để theo học - bậc thầy Jujutsu và cựu võ sĩ Fukuda Hachinosuke.
Hình vẽ Google tôn vinh “Cha đẻ của Judo” Nhật Bản, do họa sĩ Cynthia Cheng tại Los Angeles, Mỹ thực hiện. (Ảnh chụp màn hình)
Judo ra đời lần đầu tiên trong một trận đấu Jujutsu của Kanō, khi ông kết hợp một đòn vật phương Tây để hạ gục đối thủ. Sau đó, bằng cách loại bỏ các kỹ thuật nguy hiểm nhất được sử dụng trong Jujutsu, ông đã tạo ra “Judo”, một môn thể thao an toàn và có tính phối hợp. Judo được xây dựng dựa trên triết lý cá nhân của Kanō về Seiryoku-Zenyo (sử dụng năng lượng hiệu quả tối đa) và Jita-Kyoei (sự thịnh vượng chung của bản thân và người khác).
Năm 1882, Kanō mở võ đường riêng - Học viện Kodokan Judo ở Tokyo. Tại đây ông tiếp tục phát triển Judo trong nhiều năm. Ông chào đón cả nữ giới tham gia môn thể thao này từ năm 1893.
Kanō trở thành thành viên châu Á đầu tiên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 1909. Năm 1960, IOC phê duyệt Judo là môn thể thao Olympic chính thức.