Phát biểu với báo giới hôm qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orban dù vẫn phản đối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu song đã dịu bớt lập trường của mình về gói viện trợ của khối dành cho Ukraine, nếu các điều kiện của nước này được bảo đảm.
Cùng với xác nhận của người đứng đầu Chính phủ Hungary, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã tức tốc tới Ukraine để hội đàm với người đồng cấp nước này nhằm tạo cơ sở cho một cuộc gặp lãnh đạo cấp cao hơn giữa hai nước tới đây. Cuộc hội đàm được cả hai bên đánh giá là mang tính xây dựng cho mối quan hệ hai nước trong tương lai.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: Reuters)
Dù không nói thẳng là Hungary sẽ bật đèn xanh cho gói cứu trợ của Liên minh châu Âu song Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi đến đây với mục đích xây dựng lại bầu không khí tin cậy trong quan hệ song phương giữa Hungary - Ukraine.
Chúng tôi đã đồng ý rằng chúng tôi sẽ có những bước đi đáng khích lệ hướng tới mục tiêu này. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước và sẽ còn rất nhiều việc phải làm nhưng phía Hungary chúng tôi sẵn sàng thực hiện công việc và sẵn sàng cho công việc chung tiếp theo”.
Mối quan hệ giữa Hungary và Ukraine đã trở nên căng thẳng trong vài năm qua và càng trầm trọng hơn khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhiều lần phủ quyết các khoản viện trợ của Liên minh châu Âu cho Ukraine.
Tháng 12 năm ngoái, ông Viktor Orban đã phủ quyết khoản viện trợ 50 tỷ euro, tương đương hơn hơn 54 tỷ USD của EU cho Kiev. Trước đó, nước này cũng đã phủ quyết, không cho phép Liên minh châu Âu cấp 19 tỷ USD cho Ukraine. Sau nhiều ngày tranh cãi về quỹ viện trợ của Liên minh châu Âu cho Ukraine, Hungary mới chấp thuận khoản hỗ trợ này.
Để gia tăng sức ép với Hungary, Liên minh châu Âu lần này cũng đã phải ra tối hậu thư trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào ngày mai. Theo thông tin được Thời báo Tài chính đăng tải số ra ngày 28/1, giới chức EU đã vạch ra chiến lược đáp trả nhằm vào kinh tế của Hungary nếu nước này ngăn chặn gói cứu trợ mới dành cho Ukraine tại hội nghị.
Theo đó, trong trường hợp không đạt thỏa thuận vào ngày 1/2, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước Liên minh châu Âu có thể quyết định ngừng cung cấp ngân sách của khối cho Budapest.
Đánh giá về khả năng Liên minh châu Âu có thể trừng phạt Hungary, chuyên gia phân tích chính trị của Thời báo Tài chính Zoltan Pogatsa nói: “Liên minh châu Âu không thực sự muốn chống lại quốc gia thành viên. Nhưng nếu Hungary tiếp tục phủ quyết, tình hình sẽ thay đổi, Liên minh châu Âu sẽ có thể có hành động”.
Theo một số nguồn tin, Liên minh châu Âu cũng đã chuẩn bị phương án viện trợ mới cho Ukraine mà không cần đến sự chấp thuận của Hungary. Theo đó, khối này đang chuẩn bị cho một kế hoạch dự phòng trị giá 20 tỷ euro để giúp Ukraine vượt qua cuộc khủng hoảng ngân sách.
Thậm chí lãnh đạo một số nước Liên minh châu Âu đã đề cập đến khả năng loại bỏ quyền phủ quyết của Hungary và để 26 quốc gia thành viên tìm ra giải pháp cho Ukraine, song Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mới đây đã bác bỏ đề xuất này và nhấn mạnh mục tiêu là đạt được thỏa thuận với tất cả 27 quốc gia thành viên. Ông cũng nhắc lại việc 26 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý tiếp tục tài trợ cho Ukraine và các nước này sẽ nỗ lực thuyết phục Hungary để có thể đạt được sự nhất trí về vấn đề tài trợ cho Ukraine.
Như vậy dưới sức ép của Liên minh châu Âu và tín hiệu phát đi từ Hungary, việc phê chuẩn gói hỗ trợ mới của Liên minh châu Âu cho quốc gia Đông Âu này chỉ còn là vấn đề thời gian.