Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hungary: Khủng hoảng năng lượng châu Âu sẽ kéo dài 

(VTC News) -

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ kéo dài đến năm 2023 và 2024, và có thể lâu hơn.

"Chúng ta đang chứng kiến ​​cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên trong lịch sử, và nó diễn ra lâu dài”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói sau cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) hôm 12/10.

Ông cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay được thúc đẩy bởi “các lý do địa chính trị cơ bản, gắn liền với an ninh”, và đòi hỏi “các giải pháp lâu dài”.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto.

Ông Peter Szijjarto cảnh báo rằng đây là một cuộc khủng hoảng lâu dài và là một vấn đề sẽ tồn tại “không chỉ trong mùa đông năm nay, mà cả mùa đông năm sau".

Ngoại trưởng Hungary cho biết, nguồn cung cấp năng lượng của nước này đã được đảm bảo, sau khi Hungary đạt được thỏa thuận với Nga và nhận khí đốt thông qua đường ống Turk Stream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ).

"Đó là lý do tại sao chính phủ Hungary đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo hoạt động đường ống Turk Stream. Điều này gắn với lợi ích an ninh quốc gia của Hungary”, ông Peter Szijjarto nói và lưu ý rằng các cơ sở lưu trữ khí đốt của Hungary được lấp đầy 48,2%, trong khi mức lấp đầy trung bình của châu Âu hiện là 26,9%.

Hungary nhận khoảng 80% khí đốt từ tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga. Trong khi Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia, Hungary đã ký một thỏa thuận với Moskva vào cuối tháng 8 để cung cấp thêm lượng khí đốt đã thỏa thuận.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước đó cáo buộc giới lãnh đạo EU châm ngòi cho cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt “phản tác dụng” đối với năng lượng Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.

Budapest lập luận, các hạn chế không mang lại kết quả như mong muốn, đồng thời làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho khối và đẩy giá năng lượng lên mức cao chưa từng có.

Tổng thống Vladimir Putin ví những nỗ lực của khối trong việc cắt đứt nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga là “sự tự sát” về kinh tế.

Kông Anh

Tin mới