Sáng 15/3, phát biểu tại kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM khóa IX, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng, 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm chính sách cơ chế đặc thù.
"Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mang tính thời cơ, đồng thời là trách nhiệm nặng nề của thành phố trong tổ chức thực hiện, với thời gian 5 năm, để tạo động lực mới cho thành phố", bà Tâm nhấn mạnh.
Theo bà Tâm, thành phố thí điểm thành công Nghị quyết không chỉ tạo động lực phát triển mà còn đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho cả nước và vì cả nước. Đóng góp này bao gồm cả nguồn lực và kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách; nhất là hoàn thiện về vấn đề phân cấp, uỷ quyền, tăng tính tự chủ về tài chính...
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường. (Ảnh: Trung Sơn)
Trong một ngày rưỡi làm việc, HĐND thành phố sẽ giám sát chuyên đề cải cách hành chính Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP.HCM.
Tiếp đó là bàn bạc, thông qua các tờ trình về: chủ trương đầu tư hai dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố; tăng phí đỗ ô tô dưới lòng đường; tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2018 của TP.HCM.
Kỳ họp cũng thông qua chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học; đề án thực hiện và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
'Trải thảm đỏ' thu hút nhân tài, tăng thu nhập cho cán bộ
Đây là hai đề án cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Mục tiêu là hướng đến xây dựng bộ máy nhà nước thật sự tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển TP.HCM bền vững.
Trong đó, đề án thu hút nhân tài tập trung thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với phát triển khoa học - công nghệ. TP.HCM mong muốn khi thực hiện đề án này sẽ tạo động lực hình thành và phát triển nguồn chuyên gia, tư vấn, có khả năng hoạch định chiến lược và tham mưu cho lãnh đạo thành phố.
Theo đề án, ngay khi được tuyển chọn, TP.HCM sẽ trợ cấp 100 triệu đồng đối với các chuyên gia, nhà khoa học. Hàng tháng, họ được hưởng lương theo bảng lương Chuyên gia cao cấp.
TP.HCM cũng có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Cứ mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp thành phố trở lên được duyệt thì được hỗ trợ với mức không thấp hơn 50 triệu đồng một người; và mức hỗ trợ tố đa là một tỷ đồng cho mỗi người trên một công trình nghiên cứu...
Ngoài ra, chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu nhà ở sẽ được xem xét, bố trí nhà ở công vụ; hỗ trợ 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập phát sinh theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố.
Bên cạnh đó, chính quyền TP.HCM cũng đề xuất căn cứ vào hiệu quả công việc để điều chỉnh hệ số tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Mức hỗ trợ tối đa trong năm 2018 là 0,6 lần. Đến 2020, tăng tối đa 1,8 lần.
Thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, UBND thành phố tính toán, ngân sách TP.HCM cần hơn 2.340 tỷ đồng để chi cho hơn 11.600 công chức; gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến báo cáo 7 tờ trình.
Thu phí đỗ ô tô theo giờ, tăng phí bảo vệ môi trường
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố đề xuất thu phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường với mức cao hơn 20-25% giá giữ xe của các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng trên địa bàn và gần bằng giá ở Hà Nội, Đà Nẵng.
TP.HCM dự kiến chỉ thu phí dừng đỗ ô tô từ 6 đến 24h, ngoài khung giờ này không phải đóng phí. Về mức cụ thể, UBND thành phố đề xuất thu 25.000-30.000 đồng cho một giờ đậu xe. Do TP.HCM thay đổi phương thức thu, tính lũy tiến theo giờ nên những ô tô dừng đỗ lâu sẽ phải đóng phí cao hơn. Mức phí cao nhất 170.000 đồng mỗi ô tô trong 5 giờ đầu tiên.
Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho hai nhóm: ô tô đến 9 chỗ; xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.
Người đỗ xe thanh toán tiền thông qua hình thức nhắn tin trừ tiền trong tài khoản trong điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa hoặc nộp qua trụ tự động. Theo tính toán, nếu đề án được thông qua, tính riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, mỗi tháng thành phố thu được khoảng 30 tỷ đồng.
Liên quan việc thu phí bảo vệ môi trường, UBND thành phố cho biết trên địa bàn hiện có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng gần 143.500 m3 mỗi ngày đêm). Mỗi năm, thành phố thu được 8 tỷ đồng.
UBND TP.HCM đề xuất tăng phí đối với nhóm này. Một trong những căn cứ tính toán mức tăng cụ thể, UBND thành phố đề nghị đo nồng độ ô nhiễm trong nước thải để áp phí.
Cũng theo UBND thành phố, trên địa bàn hiện có 523 cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (thải hơn 22.260 m3 mỗi ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải gần 8.000 m3 mỗi ngày đêm), lại không thuộc đối tượng chịu phí.
Đánh giá thực tế trên là không công bằng, các cơ sở này có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... nên UBND TP.HCM đề xuất bổ sung vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp. Sau khi tăng phí, bổ sung đối tượng thu phí, mỗi năm TP.HCM thu được 60 tỷ đồng.