Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hé lộ gương mặt người tiền sử Thụy Điển sống cách đây 8.000 năm

Bằng công nghệ 3D, các nhà khoa học tái tạo khuôn mặt của người đàn ông Thụy Điển thời tiền sử, sống cách đây 8.000 năm.

Năm 2018, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một mẫu hoá thạch hộp sọ của một người đàn ông từ thời kì đồ đá có niên đại 8000 năm được đóng trên một chiếc cọc.

Gần đây, một chuyên gia pháp y đã sử dụng công nghệ 3D để dựng lại khuôn mặt của người đàn ông sở hữu hộp sọ 8000 năm này.

Hộp sọ có niên đại 8000 năm.

Thế giới có thể không biết tại sao đầu của người này lại bị đóng trên cọc và ném xuống một ngôi mộ dưới nước, nhưng bây giờ người ta có thể biết được khuôn mặt của anh ta.

  Công nghệ tái tạo khuôn mặt 3D được chuyên gia pháp y sử dụng để ghép các đặc điểm trên một hộp sọ bị mất đi phần hàm để cho ra khuôn mặt của một nam giới trưởng thành, có mũi nhọn, trán rộng và râu dài.

Các cơ mặt và da của người này được tái tạo lại dựa trên nhiều yếu tố trong đó có chiều cao, cân nặng và sắc tộc của anh ta.

Khuôn mặt của người tiền sử ở châu Âu được tái tạo bằng công nghệ 3D. 

Đây là hộp sọ trong số ít nhất 12 chiếc, bao gồm có cả của một trẻ sơ sinh được tìm thấy ở một địa điểm trước đây từng là một hồ nước thời tiền sử tại Thuỵ Điển. Các chuyên gia cho rằng nhóm người này có thể đã bị giết chết trong một nghi lễ cổ xưa.

Các phát hiện này được các nhà nghiên cứu tại đại học Stockholm và Quỹ di sản văn hoá Thuỵ Điển (CHF) năm 2018 cho là những bằng chứng đầu tiên về việc những thợ săn thời Đồ đá đã thực hiện nghi lễ bêu đầu người trên cọc gỗ.

Ở đây chúng ta đã có những bằng chứng về một nghi thức phức tạp và có một cơ cấu khá hoàn chỉnh“, nhà nghiên cứu chính – Tiến sĩ Fredrick Hallgren - nói trên báo Live Science.

“Mặc dù vẫn chưa thể giải thích ý nghĩa nghi lễ này, nhưng chúng tôi đánh giá cao sự phức tạp của nó và những thợ săn bắn thời kì tiền sử này” – ông Fredrick nói.

Lí do tại sao người đàn ông này và những người khác gặp phải cái chết kinh hoàng như vậy vẫn là một bí ẩn, nhưng Oscar Nillson – nhà pháp y học người Thuỵ Điển - cho chúng ta thấy được khuôn mặt của người tiền sử trông như thế nào.

Nillson đã chụp cắt lớp vi tính hộp sọ, in một bản sao 3D bằng nhựa vinyl. Vì phần hàm đã bị mất, nên ông phải đo lại phần hàm theo tính toán cân xứng để tái tạo nó.

Dù không có bằng chứng gì về trang phục của người đàn ông nhưng Nillson đã lựa chọn quần áo và kiểu tóc của nhân vật dựa trên những vật dụng được tìm thấy trong ngôi mộ.

Các nhà khảo cổ học còn tìm ra một loạt các hoá thạch còn sót lại của những động vật hoang dã bao gồm xương gấu nâu, lợn rừng, hươu, nai...

Ông ta mặc đồ từ da của một con lợn rừng. Từ cách sọ người và xương động vật tìm được, ta có thể thấy rõ chúng có ý nghĩa to lớn trong văn hoá và tôn giáo của họ” - ông Nillson nói.

Tóc của người đàn ông được dựng lại ngắn với phần tóc phía sau dài hơn được cột đuôi ngựa.

Bên cạnh đó, phần được vẽ ở ngực người đàn ông, được cho là những hình tượng dựa trên các hình vẽ trên cơ thể của nhiều người bản địa, thổ dân tồn tại đến ngày nay.

“Đây là bằng chứng cho việc chúng ta sẽ khó có thể giải thích ý nghĩa thẩm mỹ của họ mà chỉ có thể quan sát, nhìn ngắm chúng. Chúng tôi không có lí do để tin rằng nhưng người này không để ý đến ngoại hình và thể hiện cá tính, đặc điểm của họ hơn chúng ta ngày nay” – nhà khoa học cho hay.

Các nhà khảo cổ học phát hiện ra hộp sọ của người đàn ông cùng với 12 người khác vào năm 2018. 7 người trong số họ có thể đã chết trong đau đớn và bị chấn thương nghiêm trọng trước khi tử vong.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là hệ quả của những cú đánh mạnh, dữ dội nhưng không gây chết người ngay lập tức.

Đây có thể là kết quả của một cuộc giao tranh bạo lực giữa các cá nhân hay trừng phạt, xử tử trong một cộng đồng người nhỏ.

Các thi thể được đặt trên một lớp đá lớn dày đặc, trong nơi chôn cất một cách công phu, nằm dưới nước khoảng và có niên đại cách ngày nay 7.500-8.000 năm.

Chỉ có một thi thể duy nhất còn lại xương hàm khi được chôn mà các chuyên gia cho rằng được gỡ bỏ như một phần của nghi lễ mai táng.

Nguồn: Báo Giao thông

Tin mới