Video: Meryl Streep gọi Harvey Weinstein là "Chúa" tại giải Quả Cầu Vàng
Với hơn 300 đề cử Oscar các loại gắn với tên tuổi mình - đồng nghĩa với tài năng không thể phủ nhận, con người Weinstein là hỗn hợp của nghệ thuật, danh tiếng, chính trị, tiền và quyền lực.
Hàng triệu khán giả đã xem Pulp Fiction, loạt phim Lord of The Rings, loạt phim kinh dị Scream, Gangs of New York, Silver Linings Playbook, loạt phim Spy Kids... Họ đều đã làm quen với phim của Harvey Weinstein (65 tuổi) trước khi biết đến nhân thân ông trùm vừa nổi tiếng vừa tai tiếng này.
Khi New York Times tung bài phóng sự của hai nữ nhà báo Jodi Kantor và Megan Twohey phanh phui nhiều bê bối tình dục của Weinstein suốt 30 năm qua, nhiều nhà báo đồng nghiệp của họ đã bày tỏ sự thán phục, vì đó là "câu chuyện mà chúng tôi (giới báo chí Mỹ) đã theo đuổi hàng thập kỷ".
Người đàn ông được cảm ơn ở giải Oscar nhiều hơn cả Chúa trời
Minh tinh Meryl Streep có lẽ không thể ngờ rằng ngày bà gọi Weinstein là "Chúa" khi lên nhận giải Quả Cầu Vàng năm 2012 sẽ bị nhắc lại nhiều đến vậy. Đó là khi nữ diễn viên gạo cội lên nhận giải diễn xuất cho vai Bà Đầm Thép Margaret Thatcher trong bộ phim The Iron Lady do Weinstein góp công sản xuất.
Đáp lại lời ca ngợi đó, cả khán phòng lễ trao giải hôm đó đã vỗ tay nồng nhiệt. Còn Weinstein ngồi ở tâm điểm của Hollywood hoa lệ, giữa những người tán thưởng và ngưỡng mộ, nhìn ông như một vị Thánh của kinh đô điện ảnh. Lúc độ, trông ông thật vĩ đại, xứng tầm với sự nghiệp dài và rực rỡ của mình: trực tiếp sản xuất, làm giám đốc sản xuất hơn 300 bộ phim nổi tiếng.
Meryl Streep chỉ là một trong vô vàn diễn viên và nhà làm phim từng xướng tên Harvey Weinstein trên bục nhận các giải thưởng điện ảnh vì công lao sản xuất của ông đã cho họ cơ hội được đứng trên bục vinh quang. Theo Hollywood Reporter, số lần Weinstein được cảm ơn ở lễ trao giải Oscar còn nhiều hơn so với Chúa trời (mà thông thường, ai cũng cảm ơn Chúa khi lên nhận giải).
Năm 1979, Weinstein đã cùng em trai Robert (biệt danh là Bob) lập ra hãng phim Miramax, tên ghép từ tên riêng của bố mẹ họ - Miriam và Max. Đến năm 1993, họ bán hãng phim cho Disney và lập ra The Weinstein Company vào năm 2005.
Nói về sự nghiệp của một nhà sản xuất, người ta thường gắn tên họ vào một, hai bộ phim thật nổi tiếng. Còn với Weinstein thì thật khó làm như vậy, bởi gắn với tên ông có quá nhiều phim nổi tiếng, có cả kinh điển. Cùng với những phim đã liệt kê ở đầu bài, sau đây là những phim gắn với tên anh em nhà Weinstein: Lion (2016), loạt phim The Scary Movie (2000-2013), Django Unchained (2012), Rambo (2008), Sin City (2005), Cold Mountain (2003), Chicago (2002)...
27 năm qua, không năm nào không có đề cử Oscar Phim hay nhất
Mùa giải thưởng sắp tới (từ đầu năm cho đến hết tháng 2/2018) sẽ là mùa đầu tiên sau 30 năm, cái bóng của "cảnh sát trưởng" Weinstein không bao trùm lên kinh đô điện ảnh.
Chỉ vài năm trước thôi, suy nghĩ về một mùa giải Oscar không có Weinstein cũng xa lạ như trước ngày 9/11/2001, người ta từng nghĩ về một New York không có Trung tâm Thương mại Thế giới. Từ năm 1990, hãng phim của anh em nhà Weinstein luôn có ít nhất một phim được đề cử Oscar Phim hay nhất và mang về ít nhất một chiến thắng lớn.
Có những năm, những hãng phim độc lập nhỏ của Weinstein còn có nhiều đề cử Oscar hơn bất cứ hãng phim lớn nào, với kỷ lục là năm 2003, có 40 đề cử, trong đó chiếm 3 trên 5 đề cử Phim hay nhất. Đó là 3 phim Gangs of New York, Lord of The Rings: The Two Towers và Chicago. Kết quả, Chicago giành giải.
Còn tính về chiều dài sự nghiệp thì có 5 phim do Weinstein sản xuất từng giành Oscar Phim hay nhất, bao gồm: The English Patient (1997), Shakespeare in Love (1999), Chicago (2003), The King's Speech (2011) và The Artist (2012). Một lưu ý nhỏ, giải dành cho Shakespeare in Love gây tranh cãi đến tận hôm nay.
Nhưng hãng The Weinstein Company có dấu hiệu suy yếu trong những năm gần đây khi họ bắt đầu thu hẹp kinh phí và nhân lực sau thất bại phòng vé của The Hateful Eight (2015), một phim được đánh giá cao về chuyên môn của đạo diễn Quentin Tarantino. Thật trớ trêu, đây cũng là nhà làm phim đã đưa cái tên Miramax lên bản đồ điện ảnh với siêu phẩm Pulp Fiction cách đó 21 năm.
Năm nay, trước cả khi bài báo trên New York Times được đăng tải, các phim của The Weinstein Company cũng không còn thống trị như trước. Phim khả quan nhất là Wind River, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Taylor Sheridan, có ngôi sao Jeremy Renner đóng vai chính.
Bên cạnh đó, Weinstein còn có "quân bài" chưa tung là The Current War, có ngôi sao Benedict Cumberbatch đóng vai chính. Bộ phim này từng được ấn định sẽ là "ngựa chiến" Oscar năm nay của hãng. Nhưng sau khi được trang Rotten Tomatoes đánh giá khá cao với 86%, phim lại bị chê tại LHP Toronto. Cơ hội suýt chuyển qua cho The Upside và Paddington 2, nhưng cả hai phim này đều bị lùi lịch chiếu sang 2018, quá muộn để tranh Oscar.
Với scandal chấn động của Weinstein, giới quan sát dự báo công chúng sẽ thực hiện một đòn trừng phạt nặng nề lên những bộ phim sắp ra rạp của ông. Rất có thể một đợt thất thủ lớn của hãng Weinstein sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Bậc thầy về chạy đua giải thưởng điện ảnh ở Hollywood
Không chỉ sản xuất phim, Weinstein còn thường được gán mác "người phát minh ra khái niệm chạy đua Oscar". Nhưng thực tế không phải vậy. Các chiến dịch chạy đua Oscar đã diễn ra khi Weinstein còn chưa sinh ra. Nhưng đóng góp lớn của ông trùm này là hoàn thiện công nghệ chạy đua Oscar với những chiến lược và kỹ thuật chuyên nghiệp như ngày nay.
Ông có trong tay những cộng sự và cố vấn dày dặn kinh nghiệm như Marcy Granata, Cynthia Swartz, Lisa Taback và Tony Angellotti - những nhà chiến lược hàng đầu về giải thưởng điện ảnh. Cùng với đội ngũ này, Weinstein đã tìm ra cách "chơi" lại hệ thống giải thưởng, mà không phá luật. Ngay từ những bước đầu, ông đã chi hàng đống tiền để các đối thủ của mình chê bai lẫn nhau.
Weinstein cũng trả tiền cho các cựu thành viên của Viện Hàn lâm để họ phát đi thông điệp tích cực về phim của ông. Ông cũng sắp xếp những bữa tối và bữa trưa ở các nhà hàng sang chảnh nhất Los Angeles và New York với... các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình (tiêu biểu nhất là Roberto Benigni, đạo diễn của Life Is Beautiful - đối thủ của Shakespeare in Love năm 2003) và tuồn tin cho báo chí ghi nhận sự việc như một hoạt động dàn xếp.
Tiếp tục, Weinstein đích thân hoặc giao phó nhân viên gọi điện cho nhiều thành viên Viện Hàn lâm để đảm bảo là họ đã xem phim đề cử của hãng ông - cho đến khi Viện Hàn lâm nghiêm cấm hành vi liên hệ trực tiếp này. Ông cũng tổ chức các buổi chiếu phim cho thành viên Viện Hàn lâm tại các địa điểm sang chảnh, để đảm bảo là họ không có lý do chưa xem phim của hãng ông.
Về phía báo chí, Weinstein phát triển một mối quan hệ vững mạnh với giới báo chí bằng cách cung cấp cho họ những thông tin và trích dẫn tuyệt vời để viết báo. Điều đó khiến ông trở thành nhân vật điện ảnh được trích dẫn nhiều nhất kể từ thời ông trùm Do Thái Samuel Goldwyn. Weinstein mời chào cánh nhà báo những hợp đồng viết sách hấp dẫn mà ai cũng mơ ước.
Ông còn thường xuyên sử dụng chiêu trò kiện cáo đòi giảm rating phim (mà biết chắc là sẽ thua) như một cách đấu tranh cho nghệ thuật đến gần hơn với đại chúng. Hành động này khiến các phim của ông được coi trọng hơn về mặt xã hội.
Weinstein cũng rất giỏi trong việc hậu đãi các tài năng để họ yên tâm cống hiến cho ông. Gwyneth Paltrow, người đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với Shakespeare in Love, từng nói: "Làm việc cho Weinstein giống như làm việc cho mafia, có rất nhiều ưu đãi hậu hĩnh".
Tóm lại, có quá nhiều lý do để Harvey Weinstein được coi như Chúa trời ở Hollywood.
'Tôi là cảnh sát trưởng của thị trấn Hollywood'
Guardian viết năm 2000, trong một sự vụ bị bưng bít sau đó, Weinstein được cho là đã hành hung một phóng viên trẻ giữa một bữa tiệc lớn. Xong xuôi, ông trùm thét lên với đám đông đang sững sờ: "Tao là cảnh sát trưởng của cái thị trấn khỉ gió vô luật lệ này (ám chỉ Hollywood)". Sự việc này được nhiều người kể lại, nhưng không một bức ảnh hay một dòng tin nào đưa về nó.
Đến cả bài báo trên New York Times, phóng sự điều tra công phu của hai nữ nhà báo Jodi Kantor và Megan Twohey, cũng là mục tiêu của rất nhiều nhà báo khác trong 30 năm trời. Nữ nhà văn Rebecca Traister (New York Magazine) nói: "Tôi đã có những cuộc phỏng vấn về lịch sử lạm dụng tình dục của Harvey Weinstein suốt 17 năm qua".
Sự khó khăn trong việc đưa câu chuyện này ra ánh sáng cho thấy nền văn hóa vẫn rất dễ thần phục một người đàn ông da trắng quyền lực. Ở Hollywood, chiếc ghế casting có một phép màu vô biên trong việc biến những kẻ vô danh thành ngôi sao. Năm 2010, một trang web tên là Pajiba đã đăng tải danh sách các nữ diễn viên được gọi là "Các cô gái của Harvey", những người nổi tiếng bất ngờ mà không có tài năng đặc biệt.
James Ivory (đạo diễn The Remains of the Day) từng nói về Harvey Weinstein: "Ông ta vừa là thiên tài vừa là một tên khốn. Không may là hai thứ đó thường đi cùng nhau".
Còn chính Weinstein cũng từng nói: "Cứ 15 người ca ngợi tôi là thiên tài thì có 15 kẻ chửi bới tôi là tên khốn".
Nhưng với scandal này, Hollywood Reporter cũng viết rằng "Đã qua rồi những ngày tháng quyền lực của Harvey Weinstein ở các mùa giải thưởng điện ảnh".