Thông tin trên được đưa ra chiều 11/7 tại buổi làm việc giữa Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung - Tây Nguyên và Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Nam) về tình hình bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
12.000 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Nam bị tiêu hủy trong 2 tháng.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Nam, đến 9/7, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 3.017 hộ tại 254 thôn, 89 xã, thị trấn thuộc 13 huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ, Nam Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Đại Lộc.
Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 12.000 con, khối lượng trên 585 tấn. Trong đó, dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, rải rác. Việc tiêu hủy lợn được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp trong vườn cây của các hộ, vị trí xa khu dân cư, nguồn nước.
Sau khi nghe báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Gia Cường - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung - Tây Nguyên đề nghị trong thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Gia Cường - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung - Tây Nguyên phát biểu tại buổi làm việc.
“Ngành TN&MT tỉnh Quảng Nam cần chú ý đến quy trình chôn lấp lợn bị bệnh, làm sao phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là hố chôn được lót đáy để hạn chế ô nhiễm môi trường”, ông Cường nhấn mạnh.
Được biết, dịch tả lợn châu Phi lần đầu bùng phát ở Quảng Nam từ ngày 14/5. Thời điểm này, đàn lợn 4 con của hộ ông Bùi Văn Á (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Mở rộng kiểm tra, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện thêm 16 con lợn của 5 hộ dân khác ở 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa cũng bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.