Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hà Nội nghiên cứu mô hình 'thành phố trong thành phố', muốn có sân bay thứ 2

Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố" và mong muốn có sân bay thứ 2 đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm.

Sáng 11/10, UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với phát triển đô thị thành phố Hà Nội”.

Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố" tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số "Thị xã mới trong Thành phố".

Hồ Tây nhìn từ trên cao. (Ảnh: Vietnamnet)

Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành Đề án xây dựng thành quận với 5 huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60-65%, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung (đến năm 2030 đạt 68%).

Tại khu vực Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh và Gia Lâm là 2 trong số 5 huyện kể trên, tuy nhiên, hiện trạng tỷ lệ đô thị hóa của cả 5 huyện còn rất thấp, như huyện Hoài Đức chỉ đạt 2,4%, cao nhất là huyện Gia Lâm cũng chỉ đạt 15,7%, Đông Anh đạt 6,7%. 

Các dự án phát triển đô thị chậm triển khai, sử dụng đất đai đô thị theo quy hoạch còn chưa hiệu quả, cho thấy nền tảng để hình thành quận tại các huyện này còn thấp…

Từ đó, việc phát triển khu vực Bắc sông Hồng là giải pháp có thể được xem xét nhờ những ưu điểm và những lợi thế: Tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển đô thị nhờ tính độc lập tương đối so với đô thị trung tâm; Giảm áp lực về việc phải đảm bảo trong thời gian ngắn đáp ứng các tiêu chí đối với đô thị đặc biệt.

Khu vực này dự kiến có tổng diện tích khoảng 700km2 (bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một phần Mê Linh, Gia Lâm); diện tích đất đô thị khoảng 250km2; Quy mô dân số đô thị khoảng 2 triệu người. Đến năm 2025 đạt đô thị loại II, năm 2030 đạt đô thị loại I.

Ông Huy cũng thông tin, việc điều chỉnh lần này cũng đặt ra định hướng hình thành một số thị xã mới. 

Các thị xã mới dựa trên cấu trúc đô thị của Quy hoạch chung 1259 được xác định bởi hạt nhân là các đô thị vệ tinh như Xuân Mai (đô thị loại II), Phú Xuyên (đô thị loại III) giúp tạo cơ hội thuận lợi về kêu gọi đầu tư... Đây là vấn đề mới, cần được xem xét và đánh giá kỹ trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch. 

Ngoài ra, trong việc điều chỉnh quy hoạch giao thông, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía Nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5; với quy mô 1.300 ha.

Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu khả năng khai thác trục sông Hồng làm trục xanh trung tâm theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông Hồng và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ với đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử. Xây dựng các tuyến xe đạp, đường chạy bộ, đường dạo kết hợp với các tiện ích thể thao... đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến dòng sông.

Thận trọng nghiên cứu mô hình “Thành phố trong Thành phố”

Góp ý tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đạt trên 40%, cao nhất Đông Nam Á nhưng việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch cả nước chưa đạt yêu cầu. Chất lượng đô thị, chất lượng quy hoạch đô thị chưa tốt, nhất là vấn đề dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn sự chồng chéo trong công tác quy hoạch giữa các ngành, các cấp… 

Giải pháp trong tương lai phải rà soát, đánh giá công việc cụ thể đối với những việc đã làm trong 10 năm qua và có dự báo chiến lược. Ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, Thành phố phải có lựa chọn tư vấn nước ngoài hoặc có một cuộc thi về xây dựng ý tưởng để làm quy hoạch Hà Nội, cùng với Viện Quy hoạch Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm thì lưu ý, trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần chú ý đến việc điều chỉnh gia tăng dân số; quy hoạch phòng chống lũ; nâng cao chất lượng quy hoạch.

Đồng ý với các mục tiêu mà nhiệm vụ quy hoạch đề ra, tuy nhiên, ông cho rằng, nên thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “Thành phố trong Thành phố”. 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới