Thời gian tới, Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc Thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025, chuyển đổi huyện Kiến Thụy thành đơn vị hành chính quận trước năm 2030.
Đó là những mục tiêu, định hướng quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào sáng 14/10 để thảo luận, quyết định, chỉ đạo thực hiện trong 5 năm tới cũng như những năm tiếp theo.
Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Tiệp - nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong 3 ngày (13-15/10).
Theo Báo cáo trình tại Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI, trong nhiệm kỳ này, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố xây dựng mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm;
Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Quang cảnh Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Phát triển không gian đô thị theo 3 hướng đột phá
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng đưa ra 20 chỉ tiêu chủ yếu và 5 phương hướng lớn cùng với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ này.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng xác định phải tập trung xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Cụ thể, Hải Phòng xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển. Thành phố sẽ bố trí nguồn lực hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc theo hai bờ các dòng sông chảy qua nội đô như sông Tam Bạc, sông Cấm, sông Hạ Lý, sông Lạch Tray, tạo thành các cảnh quan, công trình công cộng phúc lợi xã hội.
Thành phố cơ bản hoàn thành đầu tư các công trình, dự án lớn trong quy hoạch phát triển không gian đô thị theo 3 hướng đột phá: Trong đó: Hướng Đông Nam, gắn với cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư các khu đô thị sinh thái, hiện đại, tầm cỡ quốc tế tại Cát Bà, hoàn thành hệ thống cáp treo 21 km, các khu vui chơi, giải trí hiện đại.
Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư các khu đô thị sinh thái, hiện đại, tầm cỡ quốc tế tại Cát Bà, hoàn thành hệ thống cáp treo 21 km, các khu vui chơi, giải trí hiện đại; khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị tái định cư Cát Hải nhằm tạo bước đột phá về phát triển đô thị, du lịch biển.
Đối với hướng Bắc, gắn với phát triển hệ thống đô thị hai bờ sông Cấm, đặc biệt tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành xây dựng Khu trung tâm hành chính - chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng đảo Vũ Yên. Hải Phòng sẽ chú trọng đầu tư xây dựng hai bờ sông Cấm trở thành nơi tham quan, du lịch tạo ra một diện mạo mới của đô thị thành phố.
Còn với hướng Tây Nam, Thành phố tập trung phát triển đô thị sinh thái hai bên sông Lạch Tray và Đồ Sơn; ưu tiên đầu tư các trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí, y tế, giáo dục và đào tạo; phải hoàn thành dự án bãi biển nhân tạo, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của Tập đoàn Geleximco; thực hiện quy hoạch lại và hiện đại hóa hạ tầng du lịch tại khu 1, khu 2, khu 3 Đồ Sơn.
Xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại
Hải Phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2050.
Đồng thời, Thành phố cũng triển khai đồng bộ, thường xuyên các giải pháp quản lý đô thị, bảo đảm kiến trúc cảnh quan, vệ sinh môi trường, tạo diện mạo mới cho các đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
Các cơ quan, ban, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch và công tác quản lý đất đai, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; khẩn trương hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I; từng bước xây dựng, phát triển Hải Phòng theo hướng trở thành thành phố đạt tiêu chí quốc tế và đô thị thông minh.
Hải Phòng sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển các khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị cũ theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại; tiếp tục thực hiện việc thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để thẩm định một số dự án lớn và xây dựng những quy hoạch lớn, quan trọng.
Hải Phòng sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển các khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị cũ theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại
Việc cải tạo chỉnh trang đô thị được thực hiện thường xuyên, hạ tầng đô thị phải từng bước được cải tạo hợp lý, ưu tiên các công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại; tiếp tục di dời các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cảng trong đô thị về các khu công nghiệp theo quy hoạch. Lập danh mục và kế hoạch bảo tồn, tôn tạo đối với hệ thống các công trình có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa để giữ gìn bản sắc đô thị cũ…
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng đô thị quan trọng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại.
Hải Phòng tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai.
Đồng thời, TP Hải Phòng sẽ triển khai các công trình mới như: mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên, cầu Rào 3 và tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, cầu Bến Rừng, triển khai xây dựng các tuyến đường vành đai 2 và 3, cùng với xây dựng hệ thống cầu vượt nút giao, hệ thống giao thông đường thủy, xây mới thêm 6 đến 8 bến thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương triển khai các công trình thuộc trách nhiệm của Trung ương đã được đề cập trong Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị như đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...
“Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI sẽ đặt một dấu mốc mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng. Với những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính biện chứng và hiện thực cao thể hiện trong Báo cáo chính trị, thành phố Hải Phòng sẽ có đủ điều kiện để bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố”, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Hải Phòng nêu.