Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8 tới đây với nhiều điểm mới.
Đáng chú ý nhất, trong nghị định không yêu cầu công chức, viên chức khi tham gia xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm.
Trước đây tại Nghị định số 02/VBHN-BNV (hợp nhất Nghị định 56 và Nghị định 88/NĐCP) về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức, để đánh giá loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cán bộ, công chức đều phải có sáng kiến hoặc giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức hoặc của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách.
Điều kiện để đánh giá công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đảm bảo có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
(Ảnh minh hoạ: T.T)
Tuy nhiên những điều kiện này đã được bỏ trong nghị định mới, các tiêu chí cũng được giảm đáng kể về số lượng.
Từng có nhiều giáo viên ý kiến quy định viết sáng kiến kinh nghiệm tạo ra những vấn nạn về bệnh hình thức, đối phó, sao chép. Vì vậy, quy định này khi được loại bỏ khiến giáo viên vui mừng vì sắp "tháo bớt gánh nặng".
Cô Nguyễn Bích Thuỳ, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội cho biết, những năm qua, việc viết sáng kiến kinh nghiệm gần như chỉ là hình thức “làm cho có” chưa thật sự phát huy được đúng tác dụng như các nhà hoạch định chính sách mong muốn.
Thậm chí, có không ít những câu chuyện dở khóc, dở cười như 9 giáo viên ở huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh từng bị hiệu trưởng tạm đình chỉ nhận lương vì thiếu sáng kiến kinh nghiệm. Mới đây, 4 giáo viên tiểu học và THCS ở Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) bị trường nêu tên phê bình vì có sáng kiến kinh nghiệm thuộc diện "sao chép và đạo văn".
“Tôi ủng hộ việc bỏ chính sách này, nên thay vào đó là các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoặc toạ đàm để giáo viên lên tiếng cũng nhau đưa ra giải pháp tốt trong giáo dục học sinh”, cô Thuỳ nói.
Tương tự, cô Lương Thanh Cúc (giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội) cũng cho rằng, việc bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm là đúng đắn. Việc đóng góp các nghiên cứu, sáng kiến cho nhà trường nên xuất phát từ sự tự nguyện thay vì ép buộc như tiêu chí đánh giá thi đua năm học. Nếu có sự ép buộc thì giáo viên ắt sẽ làm đối phó vì bệnh thành tích.