Giá dầu thế giới
Lúc 6h30 ngày 11/1, giá dầu Brent được niêm yết ở mức 79,79 USD/thùng, tăng 2,87 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI ở mức 76,67 USD/thùng, tăng 2,65 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất trong 3 tháng nay của cả hai loại dầu phổ biến nhất thế giới này.
Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành thương mại dầu mỏ của Nga và ngành lọc dầu của Ấn Độ cho biết, các lệnh trừng phạt sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang các nước mua dầu lớn là Ấn Độ và Trung Quốc.
Ảnh minh họa.
Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS, các lệnh trừng phạt sẽ cắt giảm khối lượng xuất khẩu dầu của Nga, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, thời điểm đưa ra lệnh trừng phạt chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, khiến ông Trump có khả năng sẽ duy trì các lệnh trừng phạt và sử dụng chúng như một công cụ đàm phán cho hiệp ước hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thời tiết cực lạnh ở Mỹ và châu Âu, làm tăng nhu cầu về dầu sưởi và các nhiên liệu sưởi ấm khác.
Giá dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp của Mỹ, từng được gọi là hợp đồng dầu sưởi, tăng 5,1%, lên mức 105,07 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2024.
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán, nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng đáng kể theo năm là 1,6 triệu thùng/ngày trong quý I/2025, chủ yếu do nhu cầu về dầu sưởi, dầu hỏa và khí gas.
Giá xăng dầu trong nước
Ở kỳ điều hành ngày 9/1, giá xăng E5 RON92 tăng 374 đồng/lít, không cao hơn 20.431 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 273 đồng/lít, không cao hơn 21.019 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng đồng loạt tăng: Dầu diesel tăng 488 đồng/lít, không cao hơn 19.243 đồng/lít; dầu hỏa tăng 410 đồng/lít, lên 19.244 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 83 đồng/kg, không cao hơn 16.182 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, cơ quan quản lý tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn đối với tất cả các mặt hàng.