Theo quy định, ngày mai 21/7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày một lần. Dữ liệu Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/7, giá xăng RON92 tại thị trường Singapore là 108,26 USD/thùng, xăng RON95 là 112,9 USD/thùng, dầu diesel là 134,23 USD/thùng… Mức giá này giảm mạnh so với thời điểm trước kỳ điều hành ngày 11/7.
Xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục giảm sâu trong ngày 21/7.
Đầu ngày 20/7, trên Trading Economics cho thấy giá dầu Brent giao dịch mức 107,07 USD/thùng, tăng nhẹ 0,7% so với cùng thời điểm hôm qua. Tuy nhiên, nếu tính cả tuần, giá dầu Brent có xu hướng giảm do ảnh hưởng nguy cơ suy thoái kinh tế, cầu giảm khi lãi suất tăng và việc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa nhiều thành phố do COVID-19.
Trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo giá bán lẻ mặt hàng này tại kỳ điều chỉnh giá ngày 21/7 sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Cụ thể, vị này cho rằng nếu Liên bộ Công Thương – Tài chính không trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG), giá xăng trong nước có thể giảm về mức 26.000 - 27.000 đồng/lít. Trường hợp trích quỹ BOG, giá xăng dầu bán lẻ sẽ giảm ít hơn.
"Với diễn biến giảm của giá dầu thế giới những ngày qua, xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm khoảng 2.500 - 3.500 đồng/lít", vị này nói.
Trong kỳ điều hành giá ngày 11/7, xăng E5 RON92 có giá 27.788 đồng/lít, giảm 3.103 đồng/lít; xăng RON95-III giá 29.675 đồng/lít, giảm 3.088 đồng/lít. Dầu diesel giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa giá 26.345 đồng/lít, giảm 2.008 đồng/lít; dầu mazut có giá 17.712 đồng/kg, giảm 2.010 đồng/kg.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhà điều hành không nên trích lập quỹ BOG ở mức cao. Người dân và doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh sau chuỗi ngày khó khăn vì COVID-19.
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính mới đây đề xuất giảm một nửa mức thuế suất nhập khẩu xăng. Cụ thể, Bộ này có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống còn 10%.
Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng cho phép trước mắt tách nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn và có thể áp dụng ngay. Đánh giá số thu ngân sách nếu đề xuất trên được áp dụng, Bộ Tài chính cho hay cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng dầu trong nước khó giảm sâu nếu chỉ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mà cần nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.