Chiều 5/4, giá vàng SJC trong nước dao động quanh mức 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và khoảng 69,1 triệu đồng/lượng (bán ra).
Cụ thể, lúc 15h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,2 triệu đồng/lượng (mua) và 68,85 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 68,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,85 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó, cùng thời điểm này, giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1.933 USD/ounce.
Như vậy, quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng SJC trong nước khoảng 15,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC trong nước và vàng thế giới ngày càng cách xa nhau.
Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có 4 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.
Thứ nhất, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước có sự liên thông với nhau nên vàng thế giới tăng thì vàng trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, sự liên thông này không phải là hoàn toàn. Bởi lẽ, theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Đồng thời, chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ cấp phép nhập khẩu cho một vài doanh nghiệp, vì thế nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế.
Thứ hai, nhu cầu về vàng thời gian gần đây tăng rất mạnh. Theo Hội đồng Vàng thế giới, năm 2021 nhu cầu vàng tại Việt Nam ở mức 43 tấn, tăng 8% so với năm liền trước. 72% người tiêu dùng cho rằng vàng là tài sản an toàn đầu tư và họ sẽ còn tiếp tục đầu tư vào vàng. Người Việt sở hữu vàng cao hơn người dân các nước khác vì có xu hướng dự trữ dài hạn.
Thứ ba, do lạm phát tại nhiều quốc gia tăng, trong khi nền sản xuất trì trệ, từ đó vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền của nhà đầu tư.
Thứ tư, chính những biến động liên tục của giá vàng thời gian gần đây đã khiến kênh đầu tư vàng trở nên hấp dẫn khi nhiều nhà đầu tư lướt sóng nay mua để mai lãi. Đó chính là lý do khiến giá vàng tăng cao nhưng người mua vẫn đông.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp kinh doanh vàng rủ nhau tăng giá khiến vàng trong nước ngày càng đắt
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho rằng vàng là hàng hoá doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm...
Bên cạnh đó, khi nguồn cung vàng khan, doanh nghiệp trong nước không dễ gì giảm mạnh theo đà của thế giới. Do đó, mỗi khi giá thế giới lao dốc sẽ càng khiến chênh lệch giá trong và ngoài nước nới rộng.