Giá tiêu trong nước hôm nay ghi nhận không có sự biến động, ổn định trong mức 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước hôm nay duy trì đà ổn định so với ngày hôm qua. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ở mức 63.000 đồng/kg, không có thay đổi so với 1 ngày trước đó.
Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay giao dịch ở mức 62.000 đồng/kg, giữ nguyên so với ngày hôm qua.
Giá tiêu hôm nay tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ghi nhận ở mức 61.000 đồng, không có sự thay đổi so với phiên giao dịch trước đó.
Tại Đồng Nai, hôm nay thương lái thu mua tiêu ở mức 60.000 đồng/kg, giữ nguyên so với 1 ngày trước.
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu lại ghi nhận mức 60.000 đồng/kg, không có biến động so với ngày hôm qua.
Địa phương | Giá (đồng) | Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng) |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 63.000 | - |
Bình phước | 62.000 | - |
Đắ k Lắk | 61.000 | - |
Đắ k Nông | 61.000 | - |
Đồng Nai | 60.000 | - |
Gia Lai | 60.000 | - |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 11/2022 vừa qua có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê đạt trên 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su trên 2,9 tỷ USD (tăng 3%); gạo trên 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); hồ tiêu 895 triệu USD (tăng 3,2%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%)...
Như vậy, có thể thấy mục tiêu xuất khẩu tiêu 1 tỷ USD trong năm 2022 chắc chắn sẽ không đạt được, nhưng đà tăng của xuất khẩu thời gian qua giúp hy vọng giá tiêu hồi phục trước thời điểm vụ thu hoạch mới tích cực hơn.
Tuy nhiên đến cuối tháng, thông tin dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc dấy lên nỗi lo lắng nước này có thể đóng cửa trở lại.
Theo ước tính, xuất khẩu tiêu của cả nước trong năm 2022 có thể đạt 220.000-225.000 tấn. Nếu vậy, đây là mức xuất khẩu thấp nhất tính từ 3 năm trở lại vì 2020 đạt 285.000 tấn và 2021 là 265.000 tấn, theo chiều giảm dần.
Từ năm 2020 trở lại đây, thị trường hồ tiêu trải qua bao thăng trầm, từ 34 triệu đồng/tấn vào tháng 3/2020 lên đến 90 triệu đồng/tấn vào đầu năm ngoái và nay đang khá ổn định quanh mức 55-60 triệu đồng.
Với số liệu trên có thể thấy, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang giảm từ từ do giá tiêu trong nước không còn hấp dẫn.
Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) duy trì ở mức 3.777 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này cũng đứng ở mức 5.949 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia vẫn giữ ở mức 5.100 USD/tấn; hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này đang ở mức 7.300 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 duy trì ổn định ở mức 2.625 USD/tấn.
Còn tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giá tiêu đen loại 500g/l và 550g/l duy trì ở mức 3.150 và 3.250 USD/tấn. Còn giá tiêu trắng nước ta vẫn neo ở mức 4.600 USD/tấn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết diện tích trồng tiêu thể giới tăng trong 5 năm qua. Tổng diện tích trồng tiêu toàn cầu tính đến năm 2021 đạt khoảng 745.000 ha, tăng 42,8% so với con số 521.700 ha của năm 2017. Trong đó sự gia tăng được ghi nhận chủ yếu ở Ấn Độ và Indonesia khi cả hai nước này đều liên tục mở rộng diện tích trồng tiêu tự nhiên trong rừng.
Ngược lại, diện tích trồng tiêu tại Việt Nam - nước sản xuất lớn nhất thế giới, lại thu hẹp đáng kể do giá giảm mạnh. Ngoài ra còn do nguyên nhân dịch bệnh và biến đổi khí hậu khiến diện tích sản xuất giảm từ 152.000 ha năm 2017 xuống chỉ còn 130.000 ha năm 2021, mức giảm 14,4%.
Sản lượng hồ tiêu thế giới cũng tăng đều đặn trong những năm qua, từ 560.175 tấn vào năm 2018 lên hơn 600.742 tấn vào năm 2019. Những con số này cho thấy sản lượng hồ tiêu đã tăng đáng kể do nhu cầu và giá tiêu tăng cao trong những năm trước đó.
Sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam đã tăng vọt từ 230.000 tấn (năm 2018) lên 290.000 tấn (năm 2019). Xu hướng tương tự cũng xảy ra ở Brazil và Indonesia. Trong khi đó, các nước sản xuất khác, biến động sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Mặc dù sản lượng hồ tiêu toàn cầu giảm trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, thị trường vẫn xảy ra tình trạng dư cung đáng kể khiến giá hạt tiêu trên toàn cầu giảm.
Cộng đồng hồ tiêu thế giới dự kiến, sản lượng tiêu toàn cầu sẽ vào khoảng 534.776 tấn trong năm 2022, tức giảm 4,5% so với năm 2021 và giảm 11% so với năm 2018.