Theo báo cáo của Công ty TNHH CBRE (Việt Nam), giá thứ cấp trung bình của nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội trong quý II/2023 đạt 154 triệu đồng/m2 (đã bao gồm chi phí xây dựng và chưa bao gồm VAT), giảm 1,6% so với quý trước và giảm 13% so với mức đỉnh lập hồi quý III/2022.
Trong khi đó, giá đất nền tại nhiều quận, huyện ven đô Hà Nội cũng được điều chỉnh về mức hợp lý. Khảo sát của batdongsan.com.vn cho thấy, giá đất nền các khu vực huyện Đông Anh hiện đi ngang. Ví dụ, đất nền xã Nguyên Khê sau khi giảm khoảng 10-15% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán thì giữ mức giá trung bình dao động 38 - 43 triệu đồng/m2 từ cuối tháng 6 đến nay. Giá đất nền xã Võng La cũng giữ mức 34 - 40 triệu đồng/m2, đất nền Cổ Loa có giá 18 - 21 triệu đồng/m2, đất nền Hải Bối đi ngang mức 50 - 55 triệu đồng/m2.
Giá nhà, đất ở Hà Nội đã về mức hợp lý sau thời gian tăng "nóng". (Ảnh minh họa)
Tại huyện Hoài Đức, đất nền sau đà giảm giá từ cuối năm ngoái thì từ đầu tháng 7/2023 đến nay không còn hiện tượng đi xuống mà có xu hướng đi ngang. Ở các vị trí đường hai ô tô tránh nhau, có thể kinh doanh thuộc khu vực Di Trạch, Kim Chung, An Khánh hiện duy trì mức giá trung bình 66-74 triệu đồng/m2. Đất trong làng ở Đông La, Kim Chung, Đức Thượng, Song Phương…duy trì mức 27- 40 triệu đồng/m2 trong gần hai tháng nay.
Tương tự, giá đất nền huyện Đan Phượng đi ngang trong hơn 1 tháng qua. Khu mặt đường 422 Tân Lập đang có mức 52 - 57 triệu đồng/m2, đất mặt đường Tân Hội duy trì mức 55 - 57 triệu đồng/m2. Đất trong làng ở Hạnh Đàn, Liên Trung, Bình Minh…không có hiện tượng cắt lỗ trong thời gian gần đây, vẫn duy trì mức giá hơn 20 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá đất tại một số quận nội thành Hà Nội hiện khá cao, trung bình trên 100 triệu đồng/m2.
Cụ thể, giá đất tại quận Cầu Giấy khoảng 170 triệu đồng/m2. Mức giá cao này do đây là quận trung tâm sầm uất, vị trí kết nối thuận tiện, hạ tầng tiện ích dịch vụ hoàn chỉnh.
Tại quận Thanh Xuân, giá đất trung bình đạt khoảng 127 triệu đồng/m2, do Thanh Xuân là quận trung tâm hiếm hoi có tốc độ phát triển nóng về quy hoạch, hạ tầng và bất động sản kéo dài hàng chục năm qua do định hướng phát triển về phía Tây của Hà Nội.
Tại quận Hoàng Mai, nhà đất vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh về nguồn cung và giá bán với nhu cầu lớn. Nếu 5 năm trở về trước, khi còn là điểm nóng về giao thông và hạ tầng quá tải, bất động sản quận Hoàng Mai kém sức hút thì khoảng 5 năm trở lại đây, Hoàng Mai đã rút ngắn khoảng cách với các quận khu Tây như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân. Giá đất tăng từ mốc trung bình 47 triệu đồng/m2 (2018) lên 82 triệu đồng/m2, tăng trung bình 14,89%/năm.
Ở quận Hà Đông, khu vực Yên Nghĩa ghi nhận hiện tượng chủ đất rao bán giảm ở một số vị trí có giá từ 150 triệu đồng/m2 trở lên. Tuy nhiên, tại các vị trí có giá 50 - 60 triệu đồng/m2 thuộc Phú Lãm, Yên Nghĩa, Dương Nội, Thanh Hà…không diễn ra tình trạng cắt lỗ mà ghi nhận thực tế đi ngang.
Tại quận Long Biên, giá đất khoảng 82 triệu đồng/m2. Đây là quận kết nối vào nội đô thuận tiện giúp thị trường bất động sản của quận Long Biên ngày càng thu hút người mua ở và đầu tư.
Nam Từ Liêm là khu vực vừa trải qua giai đoạn phát triển "nóng" từ khi thành lập quận (2013) nên cũng có nhiều sự xáo trộn về bất động sản. Hiện giá đất nền, thổ cư ở khu vực này ổn định khoảng 79 triệu đồng/m2.
Thời điểm tốt để mua bất động sản
Các chuyên gia nhận định, giá nhà ở tại Hà Nội chưa thể tăng cao nhưng cũng sẽ khó giảm. Trong đó, mức giá nhà ở tại thị trường sơ cấp cơ bản ổn định, có thể biến động nhẹ vào giai đoạn cuối năm. Trên thị trường thứ cấp, giá nhà sẽ có những thay đổi do liên quan đến các chính sách tài chính.
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 phân tích: Hiện lãi suất huy động và cho vay đều giảm, tâm lý nhà đầu tư tốt hơn, thị trường bắt đầu có giao dịch. Gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng sắp “rót” vào thị trường bất động sản. Hành lang pháp lý cho bất động sản cũng tiến tới sự hoàn thiện để có thể áp dụng trong năm mới. Đây là những yếu tố tích cực cho thị trường bất động sản, góp phần giữ giá ở mức hợp lý.
Ngoài ra, giai đoạn 2023 - 2024, thực hiện đầu tư công được đẩy mạnh, trong đó đầu tư hạ tầng sân bay, cao tốc, cầu cảng là yếu tố hỗ trợ bất động sản tăng giá. Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam cũng dự báo tăng trưởng cao.
Như vậy, khi kinh tế ổn định, bất động sản có sức hút vốn ngoại tốt thì nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào nhiều phân khúc như bất động sản công nghiệp, đô thị nhà ở…giá bất động sản nói chung, giá nhà ở nói riêng có thêm triển vọng tăng trưởng.
Trong khi đó, theo ông Marc Townsend - cố vấn cấp cao của Arcadia Consulting Vietnam: "Giá nhà ở thứ cấp sẽ giảm xuống trước khi tăng lại vào giữa năm 2024 và đây là thời điểm tốt nhất để mua bất động sản trong vòng 6-7 năm qua. Hiện giá bất động sản trên thị trường thứ cấp đã giảm đáng kể 20%, 30%, thậm chí 40%".
Đặc biệt, ông nhận định rằng thị trường bất động sản vận động theo chu kỳ và thị trường hiện nay đang chứng kiến một chu kỳ đi lên khi thanh khoản đang bắt đầu. Một số chủ đầu tư đã áp dụng chính sách bán hàng mới phù hợp với khả năng chi trả của người dân hơn ví dụ như đóng băng lãi suất trong 8 năm để hạn chế rủi ro về lãi suất đối với người mua. Với sự rõ ràng hơn về chính sách của Việt Nam và triển vọng kinh tế được cải thiện, tâm lý nhà đầu tư dự kiến sẽ phục hồi.