Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt giảm điểm khi giới đầu tư lo ngại về suy thoái. Chốt phiên giao dịch ngày 22/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 47,12 điểm, tương đương 0,15%, xuống 30.483 điểm.
Chỉ số S&P 500 mất 4,9 điểm, tương đương 0,13%, về 3.759 điểm, trong khi chỉ số NASDAQ thiên về công nghệ lao dốc 0,15% còn 11.053 điểm.
Hôm 22/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định Mỹ cần đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Ông thừa nhận rằng việc nâng lãi suất mạnh tay có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
Theo người đứng đầu FED, việc đưa nền kinh tế hạ cánh an toàn là "rất khó khăn".
Hôm 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, nâng lãi suất tham chiếu lên khoảng 1,5-1,75%. Trước đó, cơ quan này cũng đã thực hiện 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay.
Giá dầu thô thế giới cũng lao dốc mạnh. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 23/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu hiện ở mức 109,75 USD/thùng, còn giá dầu WTI dao động quanh ngưỡng 104 USD/thùng.
Giới đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất. (Ảnh: Reuters)
Hôm 22/6, giá dầu WTI đã lao dốc mạnh 6,04 USD/thùng, tương đương 5,45% so với 24 giờ trước đó, xuống 104,6 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm 4,55 USD/thùng, tương đương gần 4%.
Giá dầu lao dốc sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi cắt giảm thuế nhiên liệu nhằm hỗ trợ các tài xế đối phó với giá xăng dầu tăng cao. Nhưng lo ngại suy thoái cũng tác động mạnh tới thị trường chứng khoán và hàng hóa.
Trên toàn cầu, chỉ số Topix của Nhật Bản lao dốc 0,3%, trong khi chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,4%. Euro Stoxx 50 tương lai lao dốc 0,7%. Giá vàng cũng giảm 0,3% về 1.832,68 USD/ounce.
"Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn bất ổn. Tình trạng không chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa", ông JoAnne Feeney - Giám đốc danh mục đầu tư của Advisors Capital Management - bình luận. "Rủi ro suy thoái rõ ràng là đã tăng lên", vị chuyên gia cảnh báo.
Theo một cuộc khảo sát khác của Bank of America, mức độ lo ngại về hiện tượng đình đồn lạm phát, tức tăng trưởng đình trệ nhưng lạm phát tăng cao, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Theo Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán, 80% chuyên gia kinh tế cho rằng đình lạm (stagflation) là rủi ro lớn đối với nền kinh tế trong dài hạn. Đáng nói, một số đợt đình lạm đã kéo theo suy thoái kinh tế nghiêm trọng, chẳng hạn những năm 1970.