Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cuộc Đại suy thoái cuốn trôi 10.000 tỷ USD của nền kinh tế thế giới

(VTC News) -

Vết thương từ cuộc khủng hoảng năm 2008 bắt đầu mờ dần, nhưng thời kỳ hỗn loạn cách đây hơn một thập kỷ đã làm thay đổi vĩnh viễn nền kinh tế, hệ thống tài chính Mỹ.

Ngày 15/9/2008, đơn xin phá sản của Lehman Brothers - gã khổng lồ tài chính Phố Wall làm rõ những gì mà các nhà kinh tế tranh cãi trong nhiều tháng trước cuộc khủng hoảng nợ 600 tỷ USD của thể chế tài chính này. 

Nhiều năm chi tiêu thiếu thận trọng, cho vay không khôn ngoan, đầu cơ không kiểm soát và tích lũy nợ không đi kèm bảo đảm trong thời điểm được coi là thời kỳ bùng nổ, cấu trúc thượng tầng của nền kinh tế Mỹ sụp đổ theo cách chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. 

Bong bóng vỡ tan

Việc Lehman Brothers đệ đơn phá sản không phải là sự kiện châm ngòi cho cuộc Đại suy thoái cách đây 13 năm. Nó chỉ là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ vốn đang gặp khó khăn khi đó mấp mé bờ vực sụp đổ. 

"Các dấu hiệu bị bỏ sót trên đường đi. Các khe nứt đã phát triển từ rất lâu trước tháng 9/2008. Thế giới đã chìm trong nợ nần", Rick Meyers, giám đốc điều hành cấp cao của AB Bernstein ở Chicago cho hay. 

Nguồn cơn cuộc suy thoái năm 2008 xuất phát từ cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ. (Ảnh: The Street)

Theo Meyers, một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn tới cuộc khủng hoảng năm 2008 là sự bùng nổ của thị trường nhà đất Mỹ. Năm 2001, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) áp dụng chính sách lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế bằng cách cung cấp tiền cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng với mức giá hời.

Chính sách này là căn nguyên dẫn tới sự ra đời của phương thức cho vay dưới chuẩn, theo đó các ngân hàng cho vay bất động sản không quan tâm tới khả năng chi trả của khách.

Giá nhà tăng cao do những người đi vay tận dụng lãi suất thế chấp thấp. Ngay cả những người có lịch sử tín dụng xấu hoặc không có tín dụng cũng có thể hiện thực hóa giấc mơ mua nhà. 

Nhiều ngân hàng bán các khoản thế chấp này dưới dạng các khoản đầu tư được gọi là chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp cho các ngân hàng khác. Các ngân hàng mua lại gộp các khoản nợ này với các khoản vay khác. 

Để thúc đẩy việc chấp nhận rủi ro nhiều hơn giữa các ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) tháng 10/2004 nới lỏng các yêu cầu về vốn ròng đối với năm ngân hàng đầu tư — Goldman Sachs Merrill Lynch, Lehman Brothers, Bear Stearns và Morgan Stanley.

Khi lãi suất thấp, người dân đổ xô vay tiền đi mua nhà dẫn tới bong bóng nhá đất Mỹ phình to.

Tuy nhiên, lãi suất bắt đầu tăng và quyền sở hữu nhà đạt đến điểm bão hòa. Fed tăng lãi suất vào tháng 6/2004. Tới tháng 8/2006, lãi suất liên bang đạt 5,25%, giữ nguyên cho đến tháng 8/2007. Lãi vay trở thành áp lực quá lớn đối với người mua nhà. Khi không còn khả năng thanh toán, họ sẵn sàng bỏ lại tài sản do các ràng buộc lỏng lẻo từ phía ngân hàng. 

Từ năm 2007, số trường hợp bị tịch biên tài sản để siết nợ tăng mạnh khiến các ngân hàng bắt đầu trở tay không kịp. Nhiều ngân hàng từ chủ nợ bắt đầu biến thành con nợ. Khi các vụ vỡ nợ thế chấp xảy ra, người mua mới nhận ra mình đang cầm trên tay tờ giấy vô giá trị.

Hiệu ứng domino

Trong tháng 2 và tháng 3, 25 công ty cho vay dưới chuẩn đệ đơn phá sản. Tới tháng 4, New Century Financial - một trong những nhà kinh doanh địa ốc hàng đầu của Mỹ theo dạng thế chấp khi đó nộp đơn xin bảo lãnh phá sản, cho thôi việc 3.200 nhân viên. 

Các công ty tài chính đua nhau phá sản. (Ảnh: Getty Images)

Tới tháng 6, tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Merril Lynch bán tháo tài sản trong hai quỹ đầu tư Bear Stearns do các quỹ này lỗ hàng tỷ USD vì các khoản vay dưới chuẩn. 

Nhưng những diễn biến này không ăn nhằm gì so với những gì xảy ra trong vài tháng kế đó. 

Tháng 8/2007, thị trường tài chính không thể chống đỡ nổi cuộc khủng hoảng từ thị trường bất động sản. Vấn đề cũng bắt đầu lan rộng sang thị bên ngoài biên giới Mỹ. 

Northern Rock phải liên hệ với Ngân hàng Trung ương Anh để xin tài trợ khẩn cấp do vấn đề thanh khoản. Tháng 10/2017, Ngân hàng Thụy Sỹ trở thành ngân hàng lớn đầu tiên công bố khoản lỗ 3,4 tỷ USD do bị thất thoát trong cuộc khủng hoảng thị trường cho vay cầm cố ở Mỹ.

Trong thời gian này, Fed và các ngân hàng trung ương khác phối hợp để cung cấp các khoản vay hàng tỷ USD cho thị trường tín dụng toàn cầu vốn đang bị đình trệ. Trong khi đó, các tổ chức tài chính phải vật lộn để đánh giá giá trị của hàng nghìn tỷ USD chứng khoán thế chấp của họ. 

Vào đầu năm 2008, nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện. Thị trường chứng khoán thế giới chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất kể từ vụ khủng bố 11/9. 

Tháng 1/2008, Fed cắt giảm 3/4 điểm phần trăm lãi suất chuẩn - mức cắt giảm lớn nhất trong 25 năm để hãm lại đà trượt dốc của nền kinh tế. 

Nhưng tin xấu vẫn liên tục đổ về từ mọi phía. 

Vào tháng 2, chính phủ Anh buộc phải quốc hữu hóa Northern Rock. Tới tháng 3, JP Morgan Chase mua lại Bear Stearns với giá 2 USD/cổ phiếu khi quỹ đầu tư này bán tháo tài sản. Thương vụ này kết thúc 85 năm tồn tại độc lập của một trong những đại gia phố Wall. 

Tới mùa hè, "cuộc tàn sát" lan rộng khắp lĩnh vực tài chính. Chính phủ Mỹ giành quyền kiểm soát của Ngân hàng IndyMac Bancorp cùng Freddie Mac và Fannie Mae - hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ. 

Nhưng sự kiện được đánh giá là chấn động nhất phải kể đến sự sụp đổ của Lehman Brothers. 

Một nhân viên tại Sở giao dịch chứng khoán New York sốc khi các chỉ số liên tục giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/9/2008. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 15/9, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ tuyên bố phá sản sau 158 năm tồn tại với với khoản nợ 613 tỷ USD. Kéo theo đó, hơn 20.000 nhân viên Lehman Brothers trên toàn thế giới mất việc. 

Với nhiều người, sự sụp đổ của Lehman Brothers trở thành biểu tượng của sự tàn phá do cuộc suy thoái toàn cầu 2008 gây ra. 

Cùng tháng đó, thị trường tài chính rơi vào tình trạng rơi tự do. Tháng 9 và 10 trở thành giai đoạn đen tối với phố Wall khi chỉ số Dow Jones sụt tới 25% giá trị. Fed, Bộ Tài chính Mỹ, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ phải vật lộn để đưa ra một kế hoạch toàn diện nhằm ngăn tình trạng "chảy máu" và khôi phục niềm tin vào nền kinh tế. 

Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 10, Gói cứu trợ Phố Wall được thông qua. Gói này bao gồm một số biện pháp như chính phủ mua một lượng lớn "tài sản độc hại" cùng một khoản đầu tư khổng lồ vào cổ phiếu ngân hàng... 

Việc thông qua gói cứu trợ giúp ổn định thị trường chứng khoán vốn đã chạm đáy vào tháng 3/2009. 

Tuy nhiên, thiệt hại về kinh tế và con người là cực kỳ lớn. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức 10%, cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Khoảng 30 triệu người mất việc do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng, 50 triệu người quay lại ngưỡng dưới nghèo với ước tính thiệt hại khoảng 10.000 tỷ USD. 3,8 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa vì bị tịch thu nhà. Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, bốc hơi 8.000 tỷ USD từ cuối năm 2007 đến năm 2009.

Theo tính toán, cuộc khủng hoảng 2008-2009 làm mất 2.000 tỷ USD trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.  

“Đó là một cú sốc đối với hệ thống kinh tế, nó tạo ra các động lực mà chúng tôi đến nay vẫn chưa hiểu hết", Joe Brusuelas - nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn và kiểm toán RSM cho biết.

Nhiều tổ chức tài chính của các nước phát triển, nhất là các nước ở châu Âu cũng tham gia vào thị trường tín dụng nhà ở thứ cấp của Mỹ. Do đó khi bong bóng bất động sản của Mỹ vỡ tan, các tổ chức này cũng không tránh khỏi cảnh bị kéo xuống bùn. Điều này khiến không ít quốc gia phải trải qua một thời gian khó khăn.

Đầu năm 2008, Iceland trở thành quốc gia đầu tiên của khu vực đồng euro rơi vào suy thoái. Trong quý I năm 2018, GDP của Iceland giảm 1,5% - mức giảm lớn nhất kể từ năm 1983 tới thời điểm này. Hy Lạp rơi vào vỡ nợ với quy mô lớn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ở mức đáng báo động. 

Hậu quả để lại

Cuộc suy thoái được công bố chính thức kết thúc vào năm 2009, nhưng hậu quả mà nó để lại với nhiều người kéo dài tới hiện tại. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chỉ mới trở lại mức bình thường như trước cuộc khủng hoảng vào năm 2016. Nhiều người lao động vẫn đang phải vật lộn tìm kiếm công việc với mức lương tương đương với số tiền họ được trả trước suy thoái. 

Báo cáo được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại San Francisco công bố năm 2018 ước tính cuộc khủng hoảng khiến mỗi người Mỹ mất trung bình 70.000 USD thu nhập trong suốt cuộc đời.

13 năm sau cuộc suy thoái đáng quên, nền kinh tế Mỹ phần lớn đã phục hồi phần nào nhưng mức GDP Mỹ vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo nếu nền kinh tế vận hành đúng xu hướng năm 2007.

Trong suốt hơn một thập kỷ, không ít người vẫn sống nơm nớp mối lo một cuộc suy thoái sẽ tái diễn. Nỗi lo lớn dần lên khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nghiền nát một số lĩnh vực của nền kinh tế. 

Một số chuyên gia lo ngại với tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp như hiện tại, COVID-19 có thể gây suy thoái kinh tế với mức độ nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng 2008-2009. 

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới