Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gặp truyền nhân của người thêu long bào cho vua Khải Định

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn âm thầm lưu giữ nghề tranh thêu ở đất cố đô.

Nghệ nhân ưu tú quốc gia Lê Văn Kinh (trú đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là con trai và là truyền nhân của cụ Lê Văn Hỡi – người thêu long bào cho vua Khải Định. Ông cũng là người đã lập nhiều kỷ lục quốc gia về tranh thêu.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh là con trai của người đã thêu long bào cho vua Khải Định. 

Thêu long bào cho vua Khải Định

Năm nay dù đã ở cái tuổi gần cửu thập nhưng nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn tỏ ra là người khá minh mẫn và vẫn rất tận tụy với nghề thêu ở mảnh đất cố đô Huế.

Ông là một trong năm bậc thầy lão luyện về nghề truyền thống ở Huế bao gồm: đúc đồng, chạm khắc gỗ, diều, ca nhạc truyền thống và thêu. Ông được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Các chuyên gia UNESCO gọi ông là “báu vật nhân văn sống”.

Các chuyên gia UNESCO gọi ông Lê Văn Kinh là “báu vật nhân văn sống” 

Nói về nghề thêu truyền thống của gia đình, ông Kinh chia sẻ, nghề thêu truyền thống của gia đình ông có nguồn gốc từ Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ). Từ đời ông nội ông đã làm nghề thêu sau đó đưa gia đình vào kinh đô Phú Xuân (tên gọi của Huế thời nhà Nguyễn) sinh sống.

Cha ông là cụ Lê Văn Hỡi sau đó cũng nối nghiệp cha và trở thành người thợ thêu bậc nhất kinh đô Phú Xuân, được vời vao cung thêu long bào cho vua Khải Định.

Video: Truyền nhân của người thêu long bào cho vua Khải Định nói về nghề thêu của gia đình

Theo ông Kinh, tất cả các họa tiết trang trí trên long bào của vua Khải Định đều do một tay cha ông vẽ và đưa từng đường kim, mũi chỉ… Với tài thêu của mình cha ông đã nhiều lần được vua khen thưởng.

Cha ông sau đó lấy ái nữ của cụ Tham tri Bộ Lễ thời Nguyễn là cụ Nguyễn Văn Giáo và sinh ra ông. Từ những năm 1930 – 1940, nghệ nhân Lê Văn Kinh là học trò riêng của ông ngoại cùng các phụ tá.

Đồng thời, ông cũng là môn sinh của nhiều ông đồ giỏi thời bấy giờ như lương y Phạm Minh Luân, cụ tuần Phạm Lương Hàn, cụ cử Bạch Mai Cư Sĩ, ông nghè Lâm trong thành nội…

Sau này, ông từng theo học cử nhân hóa, có bằng luật khoa. Nhưng vì nặng lòng với nghề thêu, ông Kinh quyết định xếp bút sách nối nghiệp cha để theo nghề kim chỉ và quản lý tiệm thêu truyền thống của gia đình từ năm 1959 cho đến tận ngày nay.  

“Báu vật nhân văn sống” 

Để bảo vệ nghề thêu truyền thống đã tồn tại trên đất cố đô, ông đã truyền nghề cho hàng vạn học trò khắp ba tỉnh Bình – Trị - Thiên. Năm 2006, ông đều đặn đến Trường Tiểu học Vĩnh Ninh (Thành phố Huế) để dạy nghề thêu tranh miễn phí cho khoảng 50 em nhỏ câm điếc. Để truyền nghề cho các em ông phải bỏ ra gần 1 tháng để học ngôn ngữ của người câm điếc.

Ông tâm sự: “Những học sinh cả trai và gái đều rất đẹp và thông minh. Họ rất nghe lời, có thế hiệu trưởng nói không nghe nhưng tui nói các em lại nghe và tiếp thu rất nhanh”.

Nay vì tuổi cao ông đã ngừng dạy nhưng vẫn có nhiều học trò đến nhờ ông chỉ dạy.

Bản vẽ mẫu long bào cho vua Khải Định do thân sinh của ông Lê Văn Kinh phác thảo. 

Không chỉ dạy nghề cho người khuyết tật, ông còn tạo công ăn việc làm cho họ. Chị Vân Anh là một trong số học sinh khuyết tật được ông truyền nghề. Học xong, chị được ông nhận về cửa hàng tranh thêu của ông và trả lương như thợ lành nghề.

Nói về nghệ nhân Lê Văn Kinh, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận xét: “Nghệ nhân Lê Văn Kinh là một nghệ nhân ưu tú của Việt Nam. Ông là người lưu giữ nghề thêu của quốc gia, đồng thời quảng bá nó ra quốc tế. Riêng với bộ tranh “cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư được ông thêu bằng 20 thứ tiếng khác nhau đã trở thành tinh hoa của đất nước”.

 Ông Lê Văn Kinh bên bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác thiền sư bằng 20 thứ tiếng lập kỷ lục Việt Nam.

Những báu vật vua ban

Ông ngoại của nghệ nhân Kinh là Tham tri Bộ Lễ thời Nguyễn là cụ Nguyễn Văn Giáo có thú thưởng trà nên cụ thường hay sưu tầm các dụng cụ uống trà để thỏa mãn niềm vui.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh được ông ngoại đưa vào phủ quan từ nhỏ. Là người thường xuyên ngồi cạnh cụ hầu trà nên ông đã học được cách thức pha trà, cũng như lĩnh hội được đầy đủ những tinh túy của nghệ thuật ẩm thực tao nhã. Khi cụ Tham tri mất đã để lại bộ trà cụ gia bảo cho cháu ngoại của mình.

 Ông Lê Văn Kinh là người sở hữu nhiều cổ vật, trong đó có những báu vật vua ban.

Chiếc ấm trà Tuyên Đức thời nhà Minh, Trung Quốc (1368 – 1644). Ấm làm bằng đất với kỹ thuật nung điêu luyện. Ấm nhỏ bằng quả quýt, dưới đáy có dòng chữ Hán “Tuyên Đức Đường”, đường nét rất sắc sảo.

Cái đặc biệt của ấm là khi để úp trên bàn thì quai, miệng với vòi ấm cùng nằm trên một mặt phẳng, trong khi những chiếc ấm thông thường thì phần quai và phần vòi thường cao hơn miệng ấm.

Ông Kinh đang sở hữu chiếc ấm trà Tuyên Đức thời nhà Minh, Trung Quốc (1368 – 1644). 

Ngoài ấm Tuyên Đức, nghệ nhân Lê Văn Kinh còn một chiếc ấm tên là Mạnh Thần, có tuổi đời khoảng 500 năm.

Trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, có nói về “Tam đại lão gia” đồ pha trà nổi tiếng xưa: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”. 

Chiếc ấm có màu nâu đỏ, hình chum nhỏ gọn, nằm gọn trong lòng bàn tay. Dưới ấm có khắc 3 chữ: Mạnh Thần Đường và một câu thơ: “Hà hoa mãn trì đường” (Sen nở tràn lên cả lề dủa bờ ao) được viết theo lối chữ thảo đẹp như rồng bay phượng múa.

Đi kèm với hai chiếc ấm là bộ chén “Nhất tống tứ quân” (1 chén lớn – 4 chén nhỏ) nằm trên một chiếc khay gỗ mun được chạm trổ tinh xảo.

Bộ trà cụ còn có một cây đũa ngà voi dài, một hũ đựng trà bằng gỗ, một độc lư xông trầm, một bếp hỏa lò có phần ruột đựng than để giữ nhiệt nước sôi, một chiếc chậu bằng đồng thau để rửa tay trước khi pha trà. Tất cả hợp thành bộ đồ thưởng trà đầy đủ theo phong cách Huế xưa.

Cây Kim chi ngọc diệp. 

Hiện ông Kinh còn đang lưu giữ cây Kim chi ngọc diệp (cành vàng lá ngọc), với lá và hoa làm bằng mã não, ngọc bích, cẩm thạch và vàng ròng. Kim chi ngọc diệp tượng trưng cho sự giàu sang, quý phái của hoàng tộc chốn cung đình xưa mà chỉ hoàng thân quốc thích mới có.

Bảo vật này do vua Khải Định ban tặng cho ông ngoại của ông Kinh, sau trở thành của hồi môn của mẹ ông. Theo các nhà nghiên cứu Huế, tác phẩm cành vàng lá ngọc ở Huế hiện nay chỉ còn 3 bộ, 2 bộ được cất giữ ở bảo tàng và 1 bộ ông Kinh đang lưu giữ.

Ngoài ra, ông còn giữ chiếc nghiên mực “Lưỡng long tranh châu” bằng đá đen, cùng một thỏi mực tàu cổ đựng trong khay gỗ mun. Chiếc nghiên mực được chạm khắc những đường nét tinh xảo với hình ảnh hai con rồng 5 móng, ẩn hiện trong mây tranh nhau một viên trân châu. Đây cũng là món đồ mà vua Khải Định ban cho ông ngoại ông.

 Video: Nghệ nhân Lê Văn Kinh trải lòng về nghề thêu ở cố đô Huế

Nguyễn Vương – Trần Anh

Tin mới