Sự sụp đổ của ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature có trụ sở tại New York vào tuần trước đánh dấu khủng hoảng lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Sự kiện này khiến Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong FED, rơi vào tình thế khó xử trong việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giải quyết vấn đề kinh tế nóng trong khi giữ giá cho cổ phiếu ngân hàng - vốn đang có xu hướng giảm.
Các thương nhân và nhà phân tích từng dự báo FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất để giải quyết lạm phát hiện đã phải rút lại nhận định của mình. Một số người nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản vào tuần tới do những rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington D.C. (Ảnh: Reuters)
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs và Wells Fargo dự đoán FED sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào ngày 22/3, trong khi các nhà kinh tế tại JP Morgan và Oxford Economics cho rằng FED sẽ duy trì mức tăng song với tỉ lệ phần trăm nhỏ.
Cuối tuần qua, các quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ công bố loạt biện pháp nhằm khôi phục niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng và giải quyết sự hỗn loạn của thị trường.
Kho bạc Mỹ, FED và Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ đã đặt ra kế hoạch để đảm bảo khách hàng của SVB có thể tiếp cận tất cả khoản tiền gửi của họ trong ngân hàng.
FED cũng giới thiệu chính sách cho vay mới để ngăn sự sụp đổ của các ngân hàng nhanh chóng như trường hợp SVB.
Tổng thống Joe Biden hôm 13/3 nói rằng mặc dù Mỹ đã có những động thái bảo vệ tiền gửi của khách hàng, nhưng Chính phủ Mỹ sẽ không bảo lãnh cho các nhà đầu tư của ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế của Wells Fargo gần đây cho biết: “Việc thắt chặt nhanh chóng các điều kiện tài chính cùng với sự không chắc chắn của tình hình hiện tại khiến chúng tôi nghiêng về việc FOMC sẽ tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 22/3”.
Tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo ngân hàng trung ương Mỹ đã sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất trước áp lực lạm phát "lan rộng".
Tuy nhiến, sự sụp đổ của SVB và Signature trong những ngày sau đó có thể thay đổi tính toán của các cơ quan làm chính sách tại Mỹ.
Cơ quan quản lý California (Mỹ) đã đóng cửa SVB. Hiện ngân hàng này đặt dưới sự kiểm soát của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Tài sản của SVB có thể sẽ bị thanh lý để trả lại cho khách hàng, bao gồm cả những người gửi tiền và chủ nợ.
Sự suy giảm của SVB một phần là do FED tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua. Vào thời điểm lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đã tích trữ lượng lớn trái phiếu Kho bạc dài hạn. Nhưng khi FED tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của số trái phiếu đó giảm, khiến các ngân hàng phải chịu nhiều khoản lỗ nặng.
FED đã nâng lãi suất 8 lần trong năm qua. Hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 4,5-4,75%. Trên lý thuyết, đây là lãi suất áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ tác động đến người tiêu dùng, thông qua các khoản vay như mua nhà, mua xe và thẻ tín dụng.