Theo Quyết định 24, từ đầu tháng 9 này, EVN được phép tăng giá điện nếu chi phí đầu vào cơ bản tăng 5%.
Theo đó, việc điều chỉnh giá điện trước mắt phải đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán bù phần lỗ năm 2010.
Tuy nhiên, trao đổi bên hành lang Hội nghị, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay hiện vẫn đang trong quá trình tính toán thông số đầu vào.
Theo Thông tư 31 của Bộ Công thương ban hành ngày 19/8 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản được quy định tại Quyết định 24 thì EVN sẽ được phép tăng giá điện nếu đầu vào tăng 5%
Bắt đầu từ 1/9, giá bán điện được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành, trong đó bao gồm tỷ giá tính toán, giá nhiên liệu tính toán, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua.
EVN có trách nhiệm kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định.
Nếu mức chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động đầu vào bằng hoặc lớn hơn 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì EVN được điều chỉnh ở mức 5% và báo cáo Bộ Công thương. Sau 5 ngày Bộ Công thương không có ý kiến, EVN được điều chỉnh giá bán điện.
Nếu việc điều chỉnh giá điện ở mức trên 5%, EVN phải báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính phương án giá điện để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày, Bộ Công thương, Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sau 15 ngày làm việc, nếu Thủ tướng chưa có ý kiến trả lời, EVN chỉ được điều chỉnh giá ở mức 5%.
Khi chênh lệch giá bán điện bình quân nhỏ hơn 5% so với giá bán điện hiện hành, EVN được tính toán phân bổ vào giá bán bình quân chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng tối đa 5%.
Trước báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng từ chối bình luận về đề nghị tăng giá điện của EVN.
Tại Hội nghị sáng nay, EVN cũng đồng thời đề nghị Bộ Công thương sớm xây dựng đề án huy động vốn cho phát triển điện lực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Bộ chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước giải quyết kịp thời, triệt để các khó khăn về vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các thủ tục liên quan đến vốn đối với các dự án điện.
Tập đoàn cho biết cần được ưu tiên các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn song phương của nước ngoài cho các dự án điện, cũng như được bảo lãnh đối với các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên.
Theo DVT