Trên cơ sở chương trình dự kiến, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất UBND Thành phố xem xét, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị liên quan.
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan thống nhất phương án tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông trong thời gian chuẩn bị mặt bằng (ngày 7-8/8) và trong buổi lễ vận hành thương mại (ngày 9/8).
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có phương án hướng dẫn phương tiện tại khu vực tổ chức lễ vận hành thương mại, phối hợp với UBND các quận liên quan bố trí mặt bằng, sắp xếp vị trí đỗ xe, hướng dẫn các phương tiện ra vào khu vực tổ chức đảm bảo an toàn, thuận lợi.
UBND các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường, không để người dân đổ rác, vật liệu phế thải phạm vi hè dọc hai bên tuyến đường đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự an toàn giao thông cho buổi lễ vận hành thương mại, triển khai các hạng mục trang trí kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại xung quanh khu vực diễn ra lễ vận hành thương mại đảm bảo trang trọng, mỹ quan đô thị.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị là một sự kiện trọng đại, đánh dấu mốc phát triển mới trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, 1 depot tại phường Minh Khai, huyện Bắc Từ Liêm. Công trình sử dụng đường sắt khổ đôi 1.435 mm, gồm 8 nhà trên cao, 4 ga ngầm.
Tổng mức đầu tư dự án là 34.826,05 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của 4 nhà tài trợ (Chính phủ Pháp (DGT), ADB, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn trong nước.
Dự án được khởi công năm 2010, sau các lần lỡ hẹn, đoạn đi trên cao của dự án có kế hoạch vận hành thương mại trong năm 2024.