Chùa Hương (Hà Nội), một quần thể văn hóa - tôn giáo nổi tiếng của Việt Nam, hằng năm thu hút hơn 1 triệu du khách cả nước đến trẩy hội. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chùa mở cửa muộn, từ ngày 13/3. Sau gần nửa tháng mở cửa, Chùa Hương đón hơn 10.000 lượt du khách. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch được chính quyền địa phương thực hiện nghiêm ngặt nên du khách rất yên tâm khi trẩy hội chùa Hương.
Theo ghi nhận, ngoài du khách ở các tỉnh lân cận Hà Nội, một lượng lớn du khách từ các tỉnh phía Nam đến chùa Hương theo đường hàng không. Chùa Hương nằm trên địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nên sân bay Nội Bài được xem là “cửa ngõ” đón du khách đến với chùa Hương.
Chùa Hương đã đón hơn 10.000 lượt du khách từ khi mở cửa trở lại đến nay (ảnh: Hữu Tài)
Bà Lê Hoàng Anh (Cần Thơ) cho biết ngay khi chùa Hương mở cửa, bà đã đặt vé bay ra Hà Nội, vừa đi lễ chùa Hương, vừa tham quan thủ đô. “Lâu rồi tôi không ra Hà Nội, không ngờ bây giờ phương tiện đi lại dễ dàng, đường sá thuận lợi đến vậy. Dịp này vé máy bay rẻ nên tôi thấy khá lý tưởng cho các chuyến du lịch tâm linh”, bà Hoàng Anh nói.
Cùng với chùa Hương, chùa Tam Chúc (Hà Nam) là một trong những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Chùa được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi và rừng tự nhiên, trước mặt là hồ nước rộng lớn, tạo một khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng. Từ chùa Hương, du khách chỉ mất 15 phút di chuyển bằng thuyền để sang chùa Tam Chúc. Do hai chùa gần nhau nên rất thuận tiện cho các Phật tử và du khách thăm viếng. Ước tính mỗi ngày có từ 3000 – 4000 lượt du khách vãn cảnh chùa Tam Chúc.
Du khách làm thủ tục vào lễ chùa Tam Chúc (ảnh: Anh Minh)
Cũng mở cửa muộn hơn so với mọi năm, những ngày qua, danh thắng Yên Tử đón khoảng 3000 du khách/ngày. Yên Tử được coi là trung tâm của Phật giáo, được đông đảo Phật tử và du khách hành hương mỗi dịp đầu năm. Do tình hình dịch đã được kiểm soát, giao thông thuận tiện, đặc biệt do vé máy bay rẻ nên dự báo du khách hành hương về Yên Tử sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới.
Rất đông du khách đến chùa Tam Chúc những ngày qua (ảnh: Anh Minh)
Du khách từ các tỉnh xa thường bay tới sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hoặc sân bay Cát Bi (Hải Phòng) rồi đi ô tô đến Yên Tử. Hiện tại, Hãng Hàng không Vietjet có đường bay kết nối từ TP HCM đến Vân Đồn và rất nhiều đường bay từ TP HCM, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Pleiku, Quy Nhơn đến Cát Bi. Đây là mạng đường bay đa dạng và thuận tiện nhất cho du khách đến với Yên Tử.
Chị Trần Trúc Linh (Đắk Lắk) bay từ Buôn Mê Thuột tới Hải Phòng rồi đi ô tô sang Yên Tử, cho biết: “Đến Yên Tử dịp thời tiết se se lạnh, bảng lảng sương mù trên đường hành hương lên đỉnh Yên Tử, tôi cảm giác như đang lạc vào chốn tiên cảnh linh thiêng. Thật sự đây là chuyến du lịch tâm linh ý nghĩa đối với tôi”.
Các đường bay thuận tiện đã giúp cho du khách đến với Yên Tử dễ dàng hơn (ảnh: Đức Minh)
Chia sẻ sau khi lên đến chùa Đồng, ngôi chùa tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, anh Phan Văn Bắc (Đà Nẵng) nói: “Tôi thực sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp và sự thanh tịnh của khu danh thắng này. Những ai chưa hành hương về Yên Tử hãy lên kế hoạch ngay cho chuyến đi vào thời điểm này”.
Du khách hành hương về Yên Tử (ảnh: Đức Minh)
Do kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và kỳ nghỉ hè chưa đến nên thời điểm này, du lịch tâm linh vẫn là loại hình du lịch được nhiều du khách lựa chọn nhất. Thời tiết tại các tỉnh miền Bắc cũng đang trong tiết xuân, không khí mát mẻ, không quá lạnh, không quá nóng, nên rất thích hợp cho các chuyến hành hương về những quần thể di tích Phật giáo.