Tại buổi họp sáng nay (18/9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga yêu cầu làm rõ thực trạng các công trình xây dựng không phép và sai phép mức độ thế nào.
Theo bà Nga, có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong một thời gian dài nhưng vẫn cho tồn tại và không được phát hiện, đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp.
“Có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Bà Nga cũng thẳng thắn chỉ ra vấn đề xử lý sai phạm xây dựng hiện nay: “Trong lĩnh vực xây dựng thì đổ đống cát, đống gạch trước cửa là có người đến ngay. Nhưng những công trình lớn thì cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu? Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào?”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thắc mắc, có những công trình ngang nhiên tồn tại khiến người dân rất tâm tư, mất lòng tin.
“Có hay không việc phạt cho tồn tại? Tôi mong muốn luật này đưa ra nguyên tắc phạt là phải xử lý và phải đảm bảo đúng quy hoạch, quy chuẩn ban đầu vì tồn tại như vậy mất tính răn đe”, bà Hải nêu ý kiến.
Trả lời câu hỏi về việc có hay không việc phạt cho tồn tại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng phụ thuộc 2 khâu gồm thể chế và tổ chức thực hiện.
Đối với việc có phạt cho tồn tại hay không, ông Hà khẳng định, theo Nghị định 139 thì từ 1/1/2018 là không cho phép phạt cho tồn tại nữa. Nếu sai phép, phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa.
Bộ trưởng cũng cho biết, dự thảo lần này không “đẻ” ra thủ tục hành chính, điều kiện gì mà chỉ bổ sung để khắc phục hạn chế hiện nay trong xây dựng khu đô thị nhưng không đồng bộ cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, Dự thảo luật lần này đã phân tách trách nhiệm thẩm định để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm: kiểm soát phù hợp quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn…; kiểm soát chi phí với dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Dự thảo cũng làm rõ việc thực hiện song song, đồng thời các thủ tục liên quan trong quá trình thẩm định dự án để rút ngắn thời gian thẩm định.