Video: Nước biển quanh khu cảng tập kết quặng bauxite ở Huế đổi màu nâu đỏ
Sau bài điều tra nước biển quanh khu cảng tập kết quặng bauxite từ Lào về Huế đổi màu nâu đỏ của Báo Điện tử VTC News, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vào cuộc xác minh, làm rõ. Sau hơn tháng làm việc, các cơ quan chuyên môn của địa phương này phát hiện nhiều sai phạm của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế trong quá trình quản lý, vận hành Bến số 3 - cảng Chân Mây.
Trong năm 2024 bến số 3 - cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế là nơi tập kết, quá cảng gần 490.000 tấn bauxite được nhập từ Lào về Việt Nam. (Ảnh: CT - NA)
Nước thải có Coliform vượt 48 lần
Theo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, bến số 3 - cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quyết định ngày 12/11/2015.
Năm 2021, khu bến số 3 - cảng Chân Mây được Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đưa vào hoạt động, chủ yếu là quá cảnh qua cảng hàng rơi: Than, Bauxite và dăm gỗ... Tổng khối lượng hàng hóa qua cảng năm 2023 là 392.639,63 tấn (năm 2023 không có hàng bauxite qua cảng) và năm 2024 là 1.388.250,22 tấn. Trong đó, tính đến thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra là 290.406 tấn than; 487.258 tấn bauxite và dăm gỗ là 508.876 tấn.
Đoàn kiểm tra của tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện nhiều vi phạm, tồn tại của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế trong quá trình quản lý, vận hành Bến số 3 - cảng Chân Mây. (Ảnh: CT-NA)
Thực tế kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, trong quá trình hoạt động, việc phủ bạt che chắn nước mưa tại bến số 3 - cảng Chân Mây chưa triệt để nên nước mưa chảy tràn qua khu vực các bãi tập kết bauxite, dăm dỗ cuốn theo vật chất chảy vào bể lọc của hệ thống xử lý tập trung.
Nước sau khi qua bể lọc được chảy vào hai bể lắng rồi thải ra môi trường nước biển ven bờ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá thực tế, hiện công đoạn lắng, lọc này không có tác dụng xử lý lượng lớn nước mưa chảy tràn từ các khu vực trên. Đây là các nguyên nhân chính gây đổi màu nguồn nước.
Khu vực bãi chứa hàng rời của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế là bãi bê tông, không có mái che. Đây là khu vực cảng biển nên thường có gió lớn sẽ cuốn theo các hàng rời là bauxite, dăm gỗ gây bụi cho khu vực cảng vào mùa khô, gây lầy lội vào mùa mưa.
Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế cũng chưa thực hiện việc nạo vét bùn thải định kỳ, chỉ thực hiện ở giai đoạn thi công dự án. Nguyên vật liệu hàng rời như dăm gỗ, bauxite nếu không có các giải pháp quản lý, thu gom rất dễ rơi vãi, cuốn theo nước mưa ra môi trường nước biển ven bờ.
Những núi quặng bauxite tập kết trong bến số 3 - cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế không được che chắn kỹ càng.
Qua kết quả lấy, phân tích mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế so sánh với quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT giá trị Cmax, cột B với Kq = 1,3, Kf = 1,0, đoàn kiểm tra tỉnh Thừa Thiên - Huế kết luận, có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật.
Cụ thể, độ màu = 369 (Pt-Co), vượt 2,46 lần; TSS = 253mg/l, vượt 1,94 lần; Coliform = 2,4 x 105 (MPN/100mL) vượt 48 lần (theo phiếu kết quả thử nghiệm số 542/1/TT.2024/NT-TTQTH ngày 12/11/2024 của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường); lưu lượng nguồn thải tại thời điểm lấy mẫu là 570,24 m3/ngày đêm (24 giờ).
"Như vậy, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế có hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên (coliform) trong hợp thải nước thải từ 400 m3 (24 giờ) đến dưới 600 m3 (24 giờ)...", Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế kết luận.
Ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng xác định, nước thải xuất phát từ quá trình tập kết hàng rời tại bến số 3 - cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế là nguyên nhân khiến nước tại vùng biển Bình An (huyện Phú Lộc) đổi màu.
Vì sao chưa được cấp giấy phép môi trường vẫn hoạt động?
Theo xác minh của Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 15/8/2023, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và được Bộ trưởng Bộ TN&MT thành lập tổ thẩm định ngày 06/9/2023; được kiểm tra cấp giấy phép môi trường vào ngày 04/10 cùng năm.
"Đến nay, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đang phối hợp với Bộ TN&,MT rà soát, chỉnh sửa và đề nghị được cấp giấy phép môi trường. Công ty thực hiện báo cáo công tác bảo vệ và quan trắc môi trường nước biển 4 đợt/năm...", Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin. Như vậy, đến nay, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế vẫn chưa được Bộ TN&MT cấp giấy phép môi trường.
Đến nay, bến số 3 - cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế chưa được Bộ TN&MT cấp giấy phép môi trường. (Ảnh: CT-NA)
Lý do đơn vị này vẫn hoạt động mà chưa được cấp phép môi trường, trả lời Báo Điện tử VTC News, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Mục d khoản 2 điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật có hiệu lực ngày 1/1/2022, do đó đến hết ngày 31/12/2024 Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế buộc phải có giấy phép môi trường theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đang được Bộ TN&MT thụ lý. Do đó, chúng tôi có văn bản gửi để xin Bộ hướng dẫn, có ý kiến về trường hợp này..."
Không chỉ là tác nhân khiến nước biển xung quanh đổi màu mà hoạt động tại khu cảng do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế vận hành, quản lý còn gây ô nhiễm xung quanh khu vực cảng Chân Mây khi trời nắng thì bụi, còn mưa thì lầy lội.
"Hiện nay Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh đang hướng dẫn Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đấu nối nước thải về hệ thống 4.900m3 của khu phi thuế quan. Nếu đấu nối thành công thì Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế không phải làm giấy phép môi trường mà chỉ làm đăng ký môi trường cấp xã.", đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin thêm.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế, ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký quyết định xử phạt doanh nghiệp này 532 triệu đồng. Trong đó, mức phạt 380 triệu đồng với thông số Coliform; phạt tăng thêm 40% là 152 triệu đồng đối với thông số màu và TSS. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế bị buộc phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường với số tiền là 5.336.000 đồng.