Trong Hội nghị Nhịp học toàn quốc lần thứ 4 vào tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tham gia báo cáo và làm chủ tọa đoàn nhiều chủ đề chuyên sâu, được đồng nghiệp cả nước ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, với những kết quả đã đạt được, TS. Phạm Trường Sơn – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch, Chủ nhiệm khoa Nội tim mạch được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam.
Rối loạn nhịp tim là căn bệnh khá phổ biến với những bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trước đây, để điều trị các loại rối loạn nhịp đa phần chỉ dùng thuốc. Tuy nhiên, dùng thuốc chỉ là biện pháp điều trị tạm thời, các thuốc điều trị rối loạn nhịp thường có nhiều tác dụng phụ và chính là những thuốc gây rối loạn nhịp tim.
Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều phương pháp điều trị rối loạn nhịp tiên tiến đã ra đời và ngày càng được ứng dụng rộng rãi như thăm dò điện sinh lý, triệt đốt qua đường ống thông bằng năng lượng sóng có tần số radio, cấy máy tạo nhịp, cấy máy phá rung tim.
TS. Phạm Trường Sơn hướng dẫn các bác sĩ cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là một trong những trung tâm đi đầu trong triển khai ứng dụng các kĩ thuật này từ những năm 2004 với các thế hệ chủ nhiệm khoa PGS.TS. Vũ Điện Biên, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, PGS. TS. Phạm Thái Giang, TS. Phạm Trường Sơn.
Cho tới nay, đây đã trở thành một trung tâm lớn trong điều trị các rối loạn nhịp, với số lượng bệnh nhân được triệt đốt, cấy máy tạo nhịp khoảng 500-600 ca mỗi năm.
Đặc biệt, với việc ứng dụng hệ thống định vị không gian 3 chiều (3D), khoa Nội tim mạch điều trị triệt đốt thường quy 25-30 ca rung nhĩ/năm, nhất là điều trị thành công nhiều ca lâm sàng phức tạp, với các vị trí rối loạn nhịp khó mà trong nước ít trung tâm làm được như các rối loạn nhịp có ổ khởi phát ở vị trí gần His, vị trí cơ nhú thất trái, vòng van hai lá, mỏm tim.
Gần đây, Khoa Nội tim mạch vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân B.G.H (18 tuổi, Hà Nội) mắc hội chứng Wolf-Parkinson-White (Hội chứng tiền kích thích, rối loạn nhịp tim).
Bệnh nhân đã đi khám và triệt đốt ở trung tâm tim mạch lớn nhưng không thành công, đến khám tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh nhân đã được triệt đốt thành công đường phụ bên phải vị trí ngay sát His dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị 3 chiều (3D). Đây là một vị trí khó, nếu triệt đốt thông thường rất dễ gây ra tổn thương bó His, block nhĩ thất, phải đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Bệnh nhân này là một trong số rất nhiều bệnh nhân đã điều trị thành công tại khoa nội tim mạch mà trước đó đã điều trị chưa thành công ở trung tâm tim mạch khác. Ngoài việc không ngừng nỗ lực đi sâu phát triển kĩ thuật, Khoa Nội tim mạch, cũng tích cực tổ chức nhiều buổi đào tạo (workshop), hội thảo và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện khu vực phía Bắc. Cụ thể là Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Quân y 105, Bệnh viện Quân y 354, hỗ trợ cấy máy tạo nhịp cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa,…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Khoa Nội tim mạch sẽ tiếp tục phấn đấu phát triển hơn nữa, làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu, trở thành một trong những trung tâm điều trị hàng đầu về các rối loạn nhịp.